Mẹ của bé ở trường mầm non An Vinh
Giáo viên mầm non là nghề đòi hỏi rất nhiều về tình yêu trẻ, đức tận tụy, tính kiên nhẫn. Điều này còn đặc biệt quan trọng đối với những cô giáo ở những vùng khó khăn, miền núi xa xôi. Cô Đinh Thị Nê được nhiều đồng nghiệp đánh giá hội đủ những điều kiện như thế, bởi cô là người An Lão và gắn bó với trẻ em vùng núi quê mình từ lúc mới ra trường.
Cô Đinh Thị Nê (ở giữa) đến thăm điểm trường thôn 3 vào giờ ăn trưa.
Năm 2002, tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Bình Định, cô Đinh Thị Nê về giảng dạy ở Trường Tiểu học An Vinh (trường dạy cả bậc mầm non). Năm 2010, bậc mầm non tách khỏi trường tiểu học thành Trường mẫu giáo An Vinh, cô giáo Nê đảm nhận chức vụ Phó Hiệu trưởng, đến năm 2013, cô trở thành Hiệu trưởng Trường mẫu giáo An Vinh.
Cô Nê kể: Những ngày đầu mới thành lập, chúng tôi phải dạy tạm ở trường tiểu học, nhà văn hóa xã, nhiều lúc mượn cả nhà dân. Nhưng điều đó không khiến chúng tôi sờn lòng, ngược lại, đến giờ học mà chưa thấy học trò đâu là các cô lại phải lặn lội đi tìm. Vận động trẻ đến trường đã khó, vận động gia đình cho trẻ học bán trú còn khó khăn hơn nhiều. Để thúc đẩy việc dạy bán trú, tôi mạnh dạn nhờ cán bộ, lãnh đạo địa phương có con học mẫu giáo vận động đồng bào cho con học bán trú. Từng tý một như thế mà rồi khi nhìn lại chúng tôi đã mở bán trú ở cả các điểm trường lẻ. Sắp tới, khi xây xong dãy phòng học, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân ở thôn xa hơn gửi con bán trú.
Khi chương trình sữa học đường được triển khai, nhà trường và phụ huynh vùng núi đều vui mừng vì con em họ được uống 3 bịch sữa miễn phí mỗi tuần. Các cô cho các bé uống sữa vào giữa buổi sáng. Để ý thấy sau bữa ăn, cơm dư nhiều so với trước, cô Nê chuyển sang cho trẻ uống sữa vào buổi chiều, thế là các bé ăn được cơm hơn. Cô Nê tâm tình, một chút xíu thôi nhưng có lợi cho các bé là mình phải sắp xếp sao cho thật hợp lý.
ÐỖ THẢO