Ðưa học sinh đến trường, giữ học sinh với lớp
Vừa qua, Ðoàn giám sát của Ban Dân tộc - HÐND tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển GD&ÐT tại vùng dân tộc thiểu số tại 2 huyện An Lão và Tây Sơn. Ðoàn đánh giá rất cao những cách làm sáng tạo nhằm hỗ trợ giáo viên, học sinh người dân tộc thiểu số để việc dạy - học thêm tốt hơn.
Tạo điều kiện để trẻ đến trường, học tốt
Theo báo cáo tại các buổi giám sát, tại huyện An Lão và Tây Sơn, công tác phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được duy trì, củng cố. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngày càng cao. Nhờ thực hiện đúng quy định, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: Hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở, hỗ trợ gạo; trợ cấp học bổng; hỗ trợ mua sắm thiết bị, đồ dùng học tập cho học sinh là dân tộc thiểu số học ở các trường dân tộc nội trú, bán trú, trường phổ thông ở xã, thôn đã phát huy tác dụng tích cực.
Trường Tiểu học Vĩnh An (huyện Tây Sơn) vừa được xây mới một dãy phòng học.
Từ năm 2016 đến tháng 6.2019, huyện An Lão đã đầu tư xây mới 69 phòng học, 27 phòng làm việc, 8 phòng chức năng, 3 phòng ở công vụ, 3 phòng y tế và khu vệ sinh ở các trường mầm non, tiểu học và giáo dục THCS, đặc biệt là xây dựng lớp bán trú ở bậc mầm non, kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Những năm qua, huyện đã có những hoạt động, chính sách quan tâm đến phát triển giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Chương trình hành động của Huyện ủy nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2016 - 2020, hỗ trợ tiền mua sách, thiết bị dạy học. Điểm đáng vui mừng nhất là nhận thức của cán bộ cấp xã về giáo dục được nâng cao nên hiện nay nhiều nơi đã sử dụng nguồn vốn 135, vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thay vì chỉ tập trung làm đường như trước. Nhờ đó, nhiều xã vùng núi của huyện đã tổ chức được bán trú bậc mầm non ngay cả ở những điểm lẻ.
Đoàn giám sát Ban Dân tộc - HĐND tỉnh thăm nơi ở bán trú của học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn.
Bên cạnh xây dựng cơ sở vật chất, vận động học sinh đến trường cũng là trăn trở của nhiều trường học và địa phương. Tại hai huyện An Lão và Tây Sơn, điểm nổi bật là cả chính quyền và ngành giáo dục đều có nhiều nỗ lực trong việc “đưa học sinh đến trường, giữ học sinh với lớp”. Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, chia sẻ: “Vì phụ huynh ít quan tâm, các em thường trốn học, bỏ tiết, chúng tôi thường xuyên phối hợp với nhà trường đến nhà vận động học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh tầm quan trọng của việc học. Đặc biệt ở các dịp lễ tết, thanh niên ở xa về thường hay rủ rê, lôi kéo bỏ học, vì vậy vào những khung thời gian đó, chúng tôi bám sát các cháu, chú trọng động viên gia đình quan tâm việc học của các cháu nhiều hơn”.
Còn nhiều băn khoăn
Bên cạnh những điểm đạt được, tại buổi khảo sát, các huyện cũng bày tỏ những vướng mắc như về chế độ cho giáo viên, học sinh, về giải quyết việc làm ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tuyển dụng người dân tộc thiểu số.
Có một vài điểm tuy nhỏ nhưng vẫn khiến nhiều người băn khoăn. Ông Võ Ngọc Khanh, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Tây Sơn, chia sẻ: Ở trường mầm non vùng dân tộc thiểu số, trẻ thuộc diện hộ nghèo được uống sữa miễn phí từ chương trình Sữa học đường, còn lại thì gia đình phải nộp một phần tiền. Một số gia đình khó khăn đành không tham gia chương trình, thành ra trong cùng một lớp có bé được uống sữa, có bé không; ở góc độ sư phạm các cô nhìn không đành lòng. Huyện Tây Sơn mong muốn các cấp điều chỉnh chính sách làm sao để tất cả các bé đều được uống sữa miễn phí.
Theo kiến nghị của huyện An Lão và huyện Tây Sơn, học sinh dân tộc thiểu số trên một địa bàn nên được hưởng chung một chế độ chính sách. Đồng thời cần có cơ chế ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số bản địa để khuyến khích học sinh người dân tộc thiểu số nơi ấy theo đuổi việc học lên cao. Việc này còn đồng thời tạo điều kiện để có thêm nhiều người có trình độ cao, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào mình.
Bên cạnh đó, một số chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển GD&ĐT tại vùng dân tộc thiểu số khiến các địa phương băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Bích Lộc, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, bày tỏ: “Có những văn bản quy định chưa được rõ ràng, cụ thể, như Nghị định 06 vừa rồi chỉ chi trả cho giáo viên dạy tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở điểm lẻ, còn điểm chính thì không được nhắc tới. Trong khi đó, huyện An Lão là huyện miền núi, ở điểm chính các cô vẫn dạy tăng cường Tiếng Việt và không có nhiều sự khác nhau giữa điểm chính và điểm lẻ; bên cạnh đó, cấp tiểu học dạy lớp ghép thì giáo viên có chế độ nhưng mầm non không có. Đồng thời, đối với các em không ở trong diện bán trú, không ăn trưa tại trường thì có được hỗ trợ hay không. Có một số học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS phải đóng học phí, chúng tôi mong muốn miễn học phí 100% cho học sinh dân tộc thiểu số để các em yên tâm đến lớp”.
THẢO KHUY