Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu: Ðổi mới & phát triển ổn định
Những năm gần đây, các hộ làm nghề ở làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu (TX An Nhơn) đã chuyển qua sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ tiêu thụ ở thị trường nội địa. Hướng đi này giúp làng nghề phát triển ổn định.
Thời cực thịnh, sản phẩm của làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu chủ yếu được xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đến năm 2016, sản xuất bị chững lại do thị trường Trung Quốc bất ngờ không nhập sản phẩm nữa. Để thích ứng với tình hình, các hộ làm nghề năng động mở rộng danh mục sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng đồ gỗ phù hợp với thị trường nội địa, như: Bàn, ghế có chạm khắc, tủ thờ, đồ thờ cúng… Nhờ đó, làng nghề tiếp tục đà phát triển, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Đến nay, dù đã giảm khoảng 20 hộ làm nghề so với năm 2016, nhưng hiện vẫn còn khoảng 200 cơ sở.
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu phát triển ổn định, tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Anh Lê Duy Quý, chủ hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp, cho biết: “Hồi trước, nguồn gỗ quý như: hương, trắc, cẩm lai… còn dồi dào, sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại lục bình đủ kích cỡ, được chạm trổ, khảm xà cừ công phu; thị trường Trung Quốc rất chuộng dòng sản phẩm này. Nhưng rồi nguồn gỗ giảm sút quá nhanh, thêm vào đó là việc thị trường Trung Quốc đột ngột không “ăn hàng” nữa, buộc chúng tôi phải tìm cách thích ứng thật lẹ. Chúng tôi hướng tới phục vụ khách hàng trong nước là chính, và chuyển sang sử dụng các loại gỗ dễ tìm mua, đặc biệt là gỗ rừng trồng như: mít, xoan, keo. Sản phẩm chính của mình giờ là các loại đồ thờ cúng có kích thước nhỏ như: lư hương, lục bình, chân đèn, án thờ”.
Làng nghề chỉ chững lại đôi chút rồi mau chóng ổn định trở lại, tiếp tục thu hút nhiều lao động trẻ làm việc với mức thu nhập khá. Anh Phạm Hoàng Giang, một thợ tiện gỗ mỹ nghệ ở thôn Bắc Nhạn Tháp, chia sẻ: “Làng nghề vẫn thu hút nhiều lao động trẻ ở địa phương và các nơi khác đến làm việc, học nghề tiện gỗ, nghề mộc. Bình quân thợ có tay nghề thu nhập cũng được gần 7 triệu đồng/tháng, còn lao động phổ thông cũng được hơn 4 triệu đồng/tháng”.
Để phù hợp với thị trường trong nước, bên cạnh việc thay đổi mẫu mã sản phẩm, nhiều cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ đầu tư máy móc, tăng hiệu quả sản xuất, tích cực tìm kiếm thị trường. Ông Lê Văn Tưởng, chủ cơ sở tiện gỗ mỹ nghệ Hai Tưởng, ở thôn Vân Sơn, bộc bạch: “Nhờ nỗ lực nên cơ sở của tôi có rất nhiều bạn hàng ở Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh… tìm đến đặt quan hệ làm ăn lâu dài để sản xuất các mặt hàng theo đơn hàng của họ. Không chỉ sản xuất, một số cơ sở làm nghề trong xã cũng nhận gia công sản phẩm cho các cơ sở gỗ mỹ nghệ trong nước. Mùa này thì chủ yếu làm lai rai cầm chừng, nhưng đến thời điểm giáp Tết nguyên đán, cơ sở của tôi phải tăng công suất ba bốn lần mới đáp ứng đủ các đơn hàng”.
Theo ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hậu, tỉnh đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu tại thôn Vân Sơn và Bắc Nhạn Tháp với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà trưng bày sản phẩm, mở rộng đường giao thông… Xã đã quy hoạch điểm sản xuất tập trung diện tích 2 ha để kêu gọi DN đầu tư sản xuất tại điểm tập trung, để phát triển ổn định làng nghề truyền thống ở địa phương.
UBND TX An Nhơn cũng tích cực hỗ trợ xây dựng đường bê tông nông thôn, hệ thống lưới điện; khuyến khích các cơ sở tích cực cải tiến mẫu mã sản phẩm, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu…
Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: “Thực hiện quyết định của UBND tỉnh vừa ban hành tháng 7.2019 về chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, chúng tôi đang thống kê lại các làng nghề ở thị xã đủ điều kiện đề nghị tỉnh công nhận lại, nhằm phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch ở địa phương. Ngoài ra, mỗi năm thị xã đều bố trí kinh phí khuyến công để hỗ trợ các làng nghề truyền thống ở địa phương”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN