Bình Định ngập trong lũ dữ
Chiều ngày 16.11, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 15 kết hợp với không khí lạnh tăng cường và nhiễu động gió Đông trên cao, nên khu vực tỉnh Bình Định đã có mưa rất to. Mưa lớn, cộng với nước từ đầu nguồn đổ xuống các dòng sông gây lũ lớn trên diện rộng. Đến chiều ngày 16.11, nước lũ đã rút nhưng rất chậm, mực nước các sông đang ở mức cao.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh chuyển mì ăn liền cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào. Ảnh: Trang Xuân Chi
Mưa lũ xảy ra trên diện rộng, nước dâng cao và chảy mạnh nên đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản của nhân dân. Đến 16 giờ ngày 16.11, mưa lũ đã làm 12 người chết (Hoài Ân 1 người, Phù Cát 1 người, Tây Sơn 3 người, TP Quy Nhơn 1 người, Tuy Phước 2 người, thị xã An Nhơn 4 người); 2 người mất tích (Vân Canh 1 người, TX An Nhơn 1 người).
Mưa lũ cũng đã làm ngập 98.094 ngôi nhà của dân; 6 nhà bị sập và 84 ngôi nhà bị hư hỏng. Lĩnh vực giao thông cũng đã bị thiệt hại rất nặng. Quốc lộ 1 đoạn đi qua thị xã An Nhơn bị ngập sâu 1,2m đến 1,4m; tuyến đường nối quốc lộ 1 đến sân bay Phù Cát bị tắc đường do ngập nước, các chuyến bay từ Quy Nhơn bị đình trệ. Nước lũ đã chạm đáy dầm Cầu Gành trên quốc lộ 1, nếu nước lũ không xuống, cầu này có nguy cơ bị sập. Quốc lộ 1D đoạn tại ngã ba Long Vân và hồ Phú Hòa cũng ngập sâu 0,5m, giao thông bị ngừng trệ. Quốc lộ 19 bị ngập sâu rất nhiều đoạn, giao thông từ TP Quy Nhơn lên huyện Tây Sơn và tỉnh Gia Lai bị ách tắc.
Thuyền của Cảnh sát cơ động đưa dân sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: L.C
Theo thông tin từ các lực lượng cứu hộ, từ tối 15 đến sáng ngày 16.11, đã có 30.000 người dân ở các vùng bị ngập nặng trong tỉnh đã được cứu và di chuyển tập trung đến các địa điểm an toàn tại Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Lãnh đạo tỉnh chỉ đạo huy động tối đa nguồn lực ứng cứu dân và khắc phục những đoạn đường bị sạt lở.
T.SỸ
Tại TP QUY NHƠN, đến chiều ngày 16.11, nước lũ tại các phường ngoại thành Quy Nhơn đã rút dần. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 7.900 hộ dân có nhà bị chìm trong nước lũ từ 1 - 2 m. Đê sông Hà Thanh đoạn thuộc phường Nhơn Phú bị vỡ dài khoảng 70 m; nước tràn qua mặt đê 0,5 m. Tại các đập Phú Hòa, Phú Xuân, phường Nhơn Phú; đập cây Dừa, Lạc Trường, phường Nhơn Bình nước lũ tràn qua mặt đập từ 0,3 - 0,4 m. Đến chiều 16.11, quốc lộ 19 đoạn từ cầu Đôi lên ngã ba Long Vân vẫn còn ngập 0,4 - 0,6 m.
PHI HÙNG
Tại huyện HOÀI NHƠN, thống kê sơ bộ của các ban phòng chống lụt bão 5 xã, thị trấn ven và hạ lưu sông Lại Giang gồm: Bồng Sơn, Hoài Đức, Hoài Xuân, Hoài Mỹ, Hoài Hải cho biết, thiệt hại ban đầu do mưa lũ gây ra khoảng trên 8 tỉ đồng. Trong đó, xã Hoài Hải là địa phương chịu thiệt hại nặng nhất với 162 ha tôm sắp thu hoạch bị nước lũ cuốn trôi hoàn toàn; 264 ngôi nhà bị ngập chìm trong nước lũ hơn 1m; xã Hoài Mỹ nước lũ tràn đột ngột đã nhấn chìm hơn 100 ngôi nhà của bà con 3 thôn An Nghiệp, Công Lương, Mỹ Khánh; xã Hoài Xuân, nước lũ làm sạt lở 60 m kênh mương thủy lợi, ngã đổ 9 ha mì và bắp, tốc mái, sập tường 3 ngôi nhà và 272 nhà ngập nước. Riêng xã Hoài Đức nước cũng làm ngập 148 ngôi nhà, ngã đổ 20 ha đu đủ, chuối. đến chiều 16.11 mực nước trên sông Lại Giang vẫn còn trên 2,8m.
DIỆP BẢO SƯƠNG
Tại huyện AN LÃO, mưa to làm sạt lở hàng ngàn mét khối đất đá khiến tuyến đường từ xã An Quang đến xã An Toàn tại 6 vị trí gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, cô lập 2 xã An Toàn, An Nghĩa; đường từ xã An Trung đi xã An Vinh cũng bị hư hỏng nặng. Đến hết ngày 16.11, toàn huyện An Lão có 10 thôn bị chia cắt với trung tâm huyện. Theo tổng hợp của Ban PCLB-TKCN huyện An Lão, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 5,7 tỉ đồng.
HỮU BÁ
Tại huyện PHÙ MỸ, nhờ kịp thời di dời 50/220 hộ dân và tài sản thuộc 2 xã Mỹ Chánh và Mỹ Tài ra khỏi vùng nguy hiểm nên thiệt hại đã được hạn chế khá nhiều.
Lũ lớn và đột ngột gây ngập 1.585 nhà dân, 1.555 giếng nước; làm sập hoàn toàn ngôi nhà xây dựng kiên cố còn khá mới của anh Đồng Văn Cường và nhà anh Nguyễn Văn Dọn, làm hỏng và cuốn trôi nhiều tài sản; làm vỡ 2 đoạn dài tổng cộng 40m đê sông La Tinh đoạn thuộc thôn Đông An; sạt lở nhiều đoạn đê Vạn Ninh 2 (xã Mỹ Tài), đê Sông Cạn (xã Mỹ Cát). Đê sạt lở, bị vỡ khiến lũ ngập tràn 265 ha ao đìa làm thiệt hại khoảng 50 tấn tôm cá của xã Mỹ Chánh, 35 ha ruộng lúa bị sa bồi thủy phá, bồi lấp kênh mương hơn 10.000m3. Ngay trong lũ, lãnh đạo huyện đã thường trực tại các địa bàn xung yếu, nơi có sự cố xảy ra, kịp thời điều động công an, bộ đội và lực lượng tại chỗ giúp di dời dân đến nơi an toàn.
XUÂN LỘC
Tại huyện VĨNH THẠNH mưa lớn đã gây ngập úng trên diện rộng. Thống kê sơ bộ đến chiều 16.11, đã có 500m đường giao thông tỉnh lộ ĐT 637 bị sạt lở, đường giao thông ven hồ Định Bình đất sạt lấp khoảng 6.000m3 đất đá, 5 cầu bản, 2 cầu treo thuộc các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thuận bị sập; nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập gây chia cắt. Tuyến đường ven hồ Định Bình bị sạt lở 71 điểm với hàng chục nghìn mét khối đất đá, gây chia cắt hoàn toàn đường đi Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim. 5 căn nhà bị sập. Tổng thiệt hai ước tính trên 13 tỉ đồng. Nhiều thôn ở các xã: Vĩnh Thịnh, Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn… bị ngập sâu trong nước và cô lập hoàn toàn với bên ngoài, người dân phải sơ tán và di dời súc vật lên núi. Trong 2 ngày 15 và 16.11, Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện Vĩnh Thạnh triển khai nhanh các phương án PCLB, tổ chức di dời dân, kịp thời hỗ trợ lương thực thực phẩm, đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở nối lại hệ thống giao thông trên địa bàn huyện.
XUÂN DŨNG
Lúc 15 giờ ngày 15.11, thực hiện mệnh lệnh của đại tá Phan Văn Thanh - Giám đốc Công an tỉnh, trên 100 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng xung kích được huy động từ các đơn vị thuộc Cơ quan CA tỉnh đã lên đường cùng với các loại phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ lũ lụt đến huyện Tuy Phước, ngoại thành Quy Nhơn cùng các lực lượng khác và chính quyền địa phương tổ chức cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm do lũ lụt; tham gia gia cố bảo vệ hàng trăm mét đê xung yếu tại các địa phương trên. Đại tá Phan Văn Thanh - Giám đốc, đại tá Phan Minh Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp đến huyện Tây Sơn, huyện Tuy Phước, TX An Nhơn tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ, chống lũ.
Kết quả, tính đến 15 giờ ngày 16.11, lực lượng xung kích CA tỉnh cùng CA các địa phương đã tổ chức đưa được trên 1.000 người gặp nguy hiểm do lũ lụt vào nơi an toàn. Lực lượng CSGT - CA tỉnh cùng CA TX An Nhơn túc trực 24/24 tại cầu Bình Định thuộc khối Liêm Trực, phường Bình Định và cầu Ông Chết thuộc khối Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng - hai cây cầu gặp sự cố để hướng dẫn, điều tiết giao thông.
MAI LINH GIANG
Tại thị xã AN NHƠN, nhiều vùng của địa phương này bị ngập nước, trong đó nặng nhất là xã Nhơn Khánh và phường Nhơn Hòa với mức nước ngập nhà dân vào sáng ngày 16.11 khoảng 0,7m, nhiều nhà bị sập, hai địa phương bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, nhiều người dân bị mắc kẹt trong nhà. Đường Bắc đê bao thị xã An Nhơn cũng ngập sâu trong nước. Mố cầu Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa) bị sạt lở và cầu tạm Cẩm Tiên 2 trên quốc lộ 1 đoạn qua phường Nhơn Hưng bị trôi, trong khi cầu chính thì đang thi công, làm giao thông qua đây bị ách tắc.
Ngày 16.11, QL1A đoạn qua thị xã An Nhơn bị tắc nghẽn do nước lũ dâng cao, hàng ngàn phương tiện giao thông xếp hàng nối đuôi nhau chờ trên đoạn đường vài chục km trên QL1A.
CA tỉnh cứu dân bị lũ đe dọa tại phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn. Ảnh: Võ Trường Sơn
Lúc 5 giờ sáng 16.11, tại phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn) nước lũ đổ về bất ngờ và mạnh đã làm sập 2 ngôi nhà 2 tầng kiên cố. May mắn không có thiệt hại về người.
SỬ KIỀU ANH
Tại huyện TÂY SƠN mưa to khiến nước sông Côn và sông Hầm Hô dâng cao gây nên lụt lớn nhất trong lịch sử hơn 50 năm qua ở Tây Sơn. Lũ lụt làm nước tràn qua QL 19 tại nhiều đoạn, hầu hết các địa phương trong huyện đã bị chia cắt, nhà cửa bị ngập chìm trong nước. Tại trung tâm huyện lỵ Phú Phong, nơi chưa từng ngập lụt trong lịch sử, nay nước lụt cũng tràn ngập tất cả các khối phố, có nơi nước dâng cao đến mái nhà. Cho đến sáng ngày 16.11 nhiều khu dân cư như Chơn Tự (xã Bình Thành), Háo Nghĩa, Mỹ Đức (xã Tây An), Dõng Hòa, Vĩnh Lộc (xã Bình Hòa), 5 xóm ở xã Bình Nghi... vẫn còn bị chia cắt và cô lập, lực lượng cứu hộ của huyện phải tiếp cận và cung cấp thực phẩm cho nhân dân ở một số nơi hoàn toàn không tiếp cận được với bên ngoài. Theo ghi nhận ban đầu, toàn huyện có 3 người chết.
H.CHI
Tại huyện TUY PHƯỚC, 85% số nhà dân bị ngập nước, trong đó có 36.000 hộ bị chia cắt. Đến sáng 16.11, đã có 1.300 hộ dân bị ngập đã được các lực lượng cứu hộ, cứu nạn dùng xuồng, sõng cứu, di dời tại chỗ đến các điểm an toàn hơn trong vùng.
Nhà dân bị lũ cô lập tại xã Phước Lộc (Tuy Phước). Ảnh: Văn Lưu
Đến chiều 16.11, nước lũ từ thượng nguồn đổ về làm ngập sâu nhiều tuyến đường ở trung tâm huyện lỵ Tuy Phước. Có nơi bị ngập đến 1,2 mét, như tuyến đường số 1 đi qua chợ Bồ Đề, đường Đào Tấn và đường Bùi Thị Xuân…người dân phải dùng sõng để đi lại. Hàng ngàn hộ dân ở huyện Tuy Phước đang thiếu lương thực và nước sạch cần cứu trợ khẩn cấp. Trong đó, tập trung chủ yếu ở vùng Huỳnh Giản Nam, Huỳnh Giản Bắc (xã Phước Hòa), Cồn Chim (xã Phước Sơn); Tri Thiện (xã Phước Quang) và thôn Phong Thạnh (thị trấn Tuy Phước). Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Tuy Phước. Đến 13 giờ ngày 16.11, đã có 1 người chết và một người mất tích do lũ. Trong đó, em Lê Văn Tá (14 tuổi, ở thôn An Sơn 2, xã Phước An) bị đuối nước do trượt chân té tại hồ Cóc Ké của địa phương và ông Ngô Văn Bá (60 tuổi, ở thôn Luật Bình, xã Phước Quang) bị nước cuốn trôi khi đi tìm trâu tại một cánh đồng gần nhà, hiện vẫn chưa tìm thấy thi thể. Ngoài ra, nước lũ cũng đã làm sạt, vỡ lở 327 mét đê sông ở thị trấn Diêu Trì và xã Phước Hiệp. Gần 37.000 nhà dân ngập sâu trong nước khoảng 0,5 mét.
Lực lượng CSCĐ cứu hộ thành công gia đình chị Tuyền ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Ảnh: Lê Cường
Nước lũ nhấn chìm tỉnh lộ DT 640 từ 0,8 – 1,0 mét, chia cắt giao thông từ trung tâm huyện lỵ Tuy Phước đi các xã khu Đông Phước Thuận, Phước Hòa, Phước Sơn và Phước Thắng; các xã Phước Nghĩa, Phước Hiệp, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng bị ngập hoàn toàn; khoảng 800 tấn lúa giống chuẩn bị cho vụ sản xuất Đông-Xuân 2013-2014 trong kho của các HTX và người dân địa phương đã bị thiệt hại. 80/100km đê bao 5 nhánh sông Côn lớn của hệ thống sông Côn tại Tuy Phước chưa được kiên cố đã bị sạt lở, mực nước tràn qua bờ đê cao từ 0,5 - 1m.
XUÂN VINH - KIỀU ANH
Tại huyện PHÙ CÁT, mưa to cộng với nước lũ từ thượng nguồn sông Côn, sông La Tinh đổ về quá nhanh khiến các xã vùng đông nam và vùng đông bắc của huyện bị ngập nặng. Toàn huyện có 1 người chết: đó là anh Nguyễn Thanh Dư (39 tuổi) ở thôn Mỹ Long, xã Cát Hưng, bị sét đánh chết. Cả huyện có 3 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 3.560 ngôi nhà bị nước lũ tràn vào nhà ngập từ 0,3- 0,7m và 1.065 giếng nước của người dân bị nước lũ tràn vào gây ô nhiễm; gây cô lập hoàn toàn 370 hộ dân; làm hư hại 250 ha lúa đông xuân trên chân cao sạ cưỡng, gần 25 ha ruộng bị sa bồi thủy phá. Mưa lũ làm sạt lở hàng ngàn mét đê sông, đê suối và kênh mương nội đồng, phá hủy một số công trình giao thông, thủy lợi, đặc biệt lũ đã cuốn trôi cầu Sở Bắc ở thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn. Lúc 9 giờ 20 sáng 16.11, huyện Phù Cát đã điều động 5 ca nô đến xã Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Chánh và Cát Tiến để giúp dân sơ tán khẩn cấp 197 hộ dân với trên 987 nhân khẩu từ vùng thấp lên vùng cao an toàn. Đến chiều 16.11, do gặp triều cường, vùng hạ lưu sông Côn nước vẫn còn mênh mông trắng xóa, nước rút rất chậm.
THẾ HÀ
Tại huyện HOÀI ÂN, mưa to từ đêm 14.11 đến sáng ngày 16.11 đã làm 1 người chết, hơn 4.000 ngôi nhà, 26 điểm trường học bị ngập, 1 xe tải bị nước cuốn trôi, 85 ha hoa màu bị ngập nước. Mực nước tại 19/22 hồ chứa nước trên địa bàn huyện đã vượt tràn. Kênh cấp 1 hồ chứa nước Mỹ Đức tại thôn Mỹ Đức, xã Ân Mỹ bị sạt lở một đoạn dài 50m, rộng 30m. 16 hộ dân sống tại đây đã được di dời đến nơi an toàn.
KIỀU ANH
Tại huyện VÂN CANH, theo thống kê sơ bộ đến chiều 16.11, đã có trên 250 nhà dân bị ngập sâu trong nước, có 1 người bị chết do nước cuốn trôi, trên 140 ha lúa vụ mùa bị ngập úng, nhiều tuyến đường bê tông giao thông nông thôn bị nước xói lở, hư hỏng rất nặng. Huyện Vân Canh đang triển khai sửa chữa cầu suối Muồng và cầu Bà Chua ở xã Canh Vinh.
QUANG HƯNG
Ngày 16.11, lãnh đạo UBND huyện Hoài Ân đã đi thăm gia đình ông Trần Thế Hải (ở thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa) có con là Trần Thế Giảng (17 tuổi) bị nước lũ cuốn trôi mất tích vào sáng 15.11. Theo gia đình nạn nhân cho biết: Tối ngày 14.11, cả xóm có gần 20 con trâu, bò được cột tại vùng cỏ ở bên kia suối, từ trước đến nay khu vực này chưa bao giờ nước lũ ngập tới. Tuy nhiên do mưa lớn rạng sáng ngày 15.11, nước lũ tràn về đột ngột, do bị cột nên nhiều trâu bò bị chết, khi cùng một thanh niên lội qua suối để giải cứu đàn trâu bò, anh Giảng bị nước lũ cuốn trôi. Chính quyền và nhân dân địa phương đã huy động lực lượng tìm kiếm nhưng đến giờ vẫn chưa thấy xác. UBND huyện Hoài Ân đã hỗ trợ gia đình nạn nhân 4,5 triệu đồng, xã Ân Nghĩa hỗ trợ 1 triệu đồng, Hội Chữ Thập đỏ huyện hỗ trợ 500 ngàn đồng.
VĂN HÙNG
Con người và thiên nhiên luôn luôn sống hài hoà với nhau theo cái định luật tự nhiên mà Tạo hóa đã sinh ra . Con người ngày hôm nay tìm cách chế ngự nó bằng cách hủy hoại đi môi trường tự nhiên xung quanh như phá rừng , xây quá nhiều các hồ đập thủy điện, cải tạo dòng chảy tự nhiên, đô thị hoá, thải khí thải công nghiệp ...thì ắt hẳn hậu quả không thể tránh được . Những thiên tai tự nhiên này càng ngày sẽ cành nhiều và sự tàn phá của chúng sẽ càng ghê rợn thảm khốc hơn . Nó không những xảy ra riêng ở Bình Định và còn xảy ra ở khắp mọi nơi trên trái đất này . Khi đứng trước các thảm họa thiên nhiên loài người thật sư chỉ là một sinh vật nhỏ bé !?
Phải xem lại sự chủ động tích cực của chính quyền xã Bình Tường. Tại xóm cát ( Đội 6 - Hoà Trung ) nơi có hơn 30 hộ dân sống ven bờ sông côn bị lũ tràn về ngập gần đến nóc nhà. Vậy mà khi dân gọi điện đến kêu cứu thì lãnh đạo xã không úng cứu, thay vào đó họ tập trung ứng cứu những nơi có gia đình, dòng họ của lãnh đạo xã. Rất may là trước tình hình đó những người đàn ông trong xóm đã tổ chức di doi người già, trẻ em. Hiện nay khu vực này vẫn ko có nước uống, đường đi bị chia cắt, điện bị mất, mà không thấy ông cán bộ xã nào đến xem xét, chỉ đạo giúp dân. Nhan dân ở đây đang rất bất bình
Sự việc đã lỡ rồi bây giờ phẩn nộ ai? Trước mắt thấy CA.Cán bộ các ban ngành cũng nhiệt tình dầm mưa cứu giúp bà con đang ở vùng chia cắt.Tận tình mang mì tôm, nước uống tiếp tế cho bà con trong cơn đói rét .Cử chỉ hành động của CA.các anh ở Hội chữ thập đỏ (BS,NSNA Trang Xuân Chi) đã chia xẽ phần nào nỗi đau của bà con.Các phóng viên (chiến sĩ thầm lặng)luôn có mặt mọi lúc,mọi nơi đưa tin thật là xúc động.Tôi đã từng cầm máy,nên rất thương các anh em lia máy ghi được một số hình ảnh rất có giá trị thời sự.Bà con trong ngoài nước rất biết ơn các bạn,chúc các bạn súc khỏe vững tay máy.Xin chia xẽ nỗi đau buồn của bà con vùng lũ. *ThanhDũng-Camera.
Tính cho đến thời điểm nướctràn về các tỉnh miền Trung thì lượng mưa không lớn lắm nhưng do đồng loạt các hồ đập thủy điện xã lũ nên lượng nước đỗ về hạ lưu một cách ồ ạt với một khối lượng nước rất lớn và cường độ chảy xiết nên hầu hết các sông ngòi và hệ thống giao thông bị phá vỡ nghiêm trọng. Đây không phải do thiên nhiên mà do chính con người, đặc biệt các nhà quản lý các đập thủy điện đã có quyết định sai lầm mà không tính toán trước các thiệt hại cho người dân. Đúng là lợi đâu không thấy mà chỉ thấy toàn là đau khổ, bất hạnh và tang thương cho người dân đen thôi! Hỡi các nhà quản lý, hãy nhận trách nhiệm và có hành động cụ thể để người dân bớt khổ đi.
Xây thủy điện: phá rừng, làm biến đổi hoàn toàn hệ sinh thái, môi trường sống của tất cả các loài trong thiên nhiên, kể cả loài người, làm biến đổi địa chất của khu vực quanh hồ. Mùa khô thì vùng hạ lưu gần như cạn kiệt nguồn nước. Mùa mưa thì xả nước khủng khiếp. Không hề có chức năng gì gọi là "điều tiết nguồn nước" như trong dự án cả. Thủy điện chỉ mang lại lợi ích nhóm cho nhóm làm thủy điện, chứ nhân dân, hay bất cứ ai muốn có điện cũng phải bỏ tiền ra mua điện và giá điện liên tục tăng. Tóm lại, lợi nhuận từ thủy điện thì vào túi của một nhóm người, còn vô số thiệt hại khổng lồ do thủy điện gây ra thì trút xuống đầu dân...Do đó, cần sớm có điện hạt nhân và dỡ bỏ bớt hàng trăm thủy điện đã và đang gây hại cho dân hiện nay.
Nói sao hết tội mấy ông hoàng đó được! kể sao hết những thiệt hại của ông hoàng gây ra cho nhân dân được! kể sao hết .......! cần lãnh đạo nhà nước và nhân dân có 1 hành động nào đó dứt khoát! nếu không vào 1 mùa đông nào đó bản đồ việt nam không còn chữ S nữa mà là dấu ? và dấu ? ngược! Tôi đồng ý A Mai thăng! như nói chi chuyện đề bù chi mệt! cấp cho mấy ông lãnh đạo thủy điện và các ông liên quan đến thủy điện 1 biệt thự tập thể gần cửa xã lũ. cứ tới mùa mưa cho gia đình các ông đó nghĩ dưỡng hết mùa mưa rồi về! dưới điều kiện là dù có xã lũ cũng ở trong đó! Lãnh đạo mà phải lãnh đạn trước chứ!
Đau lòng khi nhìn cảnh đồng bào ta chìm trong lũ, tội phạm gây ra chính là do xả nước từ những Thủy điện , cứ mưa là tranh thủ xả , lợi được một đồng thì hại gấp trăm gấp ngàn lần gây đau khổ tột cùng cho dân thế mà chẳng lãnh đạo nào xin lỗi Dân chẳng có Thủy Điện nào phai trách nhiệm bồi thường tiền thì vào chủ đầu tư trong và ngoài nước, tại sao không khiếu kiện bắt Thủy Điện không đủ điều kiện an toàn bồi thường ,và người mà ký dự án xây Thủy Điện ra tòa , mà phải cắn răng chịu đựng đến như vậy .