Cần đảm bảo chất lượng cuộc sống sau khi nghỉ hưu
Đó là vấn đề trọng tâm được Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đặt ra khi tham gia thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (diễn ra ngày 23.10) về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận ở hội trường ngày 23.10.
Về tuổi nghỉ hưu, Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh ủng hộ phương án 1 của dự thảo, nhằm đảm bảo tính minh bạch, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của người “làm công ăn lương”. Phương án này quy định tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.
Tuy nhiên, ĐB Hạnh cho rằng, cần làm rõ cụm từ “trong điều kiện lao động bình thường”. Trong lúc việc tăng độ tuổi nghỉ hưu chưa nhận được sự đồng thuận lớn thì những quy định chưa cụ thể sẽ khó áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Với những trường hợp tăng, giảm tuổi nghỉ hưu cụ thể, cần xem xét về hiệu quả KT-XH, hướng đến một thị trường lao động lành mạnh, hiệu quả, chất lượng. Quy định theo dự thảo chú trọng lĩnh vực, ngành nghề nhiều hơn là đối tượng NLĐ. Ở những lĩnh vực cụ thể như y tế, giáo dục... có thể NLĐ ở vị trí này vẫn phát huy tốt, nhưng ở vị trí khác cần nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng.
“Cử tri rất phân vân về việc tăng độ tuổi lao động; quan trọng nhất là khi về hưu vẫn đảm bảo một cuộc sống “chất lượng”. So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian sống khỏe mạnh sau khi nghỉ hưu của NLĐ Việt Nam thấp hơn khá nhiều. Cuối thời gian làm việc thì tuổi đã cao, khả năng tiếp cận công việc chậm hơn, áp lực nhiều hơn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khi về hưu dễ đối mặt với ốm đau bệnh tật. Chưa kể khả năng đóng góp cho xã hội, nền kinh tế cũng suy giảm. Nhiều cử tri đề nghị cân nhắc, nhất là với lao động nữ. Phù hợp nhất là nữ nghỉ hưu khi 58 tuổi, nam 62 tuổi theo lộ trình. Ngoài ra, cần quy định rõ hơn về quyền nghỉ hưu trước tuổi của NLĐ gắn với đảm bảo quyền lợi về BHXH”, ĐB Hạnh phân tích.
Liên quan đến việc mở rộng khung giờ làm tối đa, ĐB Hạnh đề nghị quy định cụ thể về tiền lương để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ khi làm thêm giờ. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng NLĐ cố tình kéo dài thời gian làm việc để hưởng lương tăng thêm, còn người sử dụng lao động lợi dụng quy định để bắt NLĐ làm quá thời gian cần thiết.
MAI LÂM