Thận trọng tái đàn gia súc, gia cầm
Ðể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết, các chủ trang trại và hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn, tăng đàn gia súc, gia cầm. Dù vậy, ngành chức năng khuyến cáo phải thận trọng trong tái đàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Đàn heo giống của hộ ông Nguyễn Hải Đảo (xã Ân Tường Đông, Hoài Ân) được chăm sóc chu đáo.
Không tái đàn ồ ạt
Hơn một tuần nay, giá thịt gà, heo hơi tăng cao, dự báo thị trường tiêu thụ sản phẩm dịp cuối năm thoáng hơn là điều kiện thuận lợi để người chăn nuôi phát triển đàn. Tại huyện Hoài Ân, hiện giá heo hơi siêu nạc được thương lái thu mua từ 58.000 - 60.000 đồng/kg; heo không phải siêu nạc từ 48.000 - 50.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, người chăn nuôi ở địa phương xuất bán từ 1.100 - 1.300 con heo thịt, lãi từ 700 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/con. Dù giá heo tăng cao, đầu ra thuận lợi, nhưng người chăn nuôi rất thận trọng khi tăng đàn.
“Từ ngày 1.10, Sở NN&PTNT ra quân tiêm vắc xin phòng chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng cho đàn gia súc. Lực lượng thú y triển khai phun thuốc tiêu độc, khử trùng để phòng trừ dịch bệnh tái phát trên đàn vật nuôi. Mặt khác, giám sát chặt trang trại, gia trại, nông hộ chăn nuôi gia súc gia cầm tại các địa phương để đảm bảo an toàn dịch bệnh”.
Giám đốc Sở NN&PTNT PHAN TRỌNG HỔ
Ông Nguyễn Hải Đảo, chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở xã Ân Tường Đông (Hoài Ân), cho biết: “Trang trại của tôi hiện thả nuôi 2.000 con heo, trong đó có 300 con nái giống đang sinh sản. Heo con sinh ra đều an toàn dịch bệnh nên tôi để nuôi hết chứ không bán và cũng không mua thêm, đồng thời tăng cường chăm sóc đàn heo thịt hiện có. Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn heo luôn được chú trọng, hy vọng sẽ có doanh thu cao dịp cuối năm”.
“Chúng tôi đã khuyến cáo người dân không tái đàn ồ ạt, chỉ sử dụng heo giống tại chỗ để nuôi chứ không mua heo giống ở ngoài huyện, nhằm phòng ngừa các loại vi rút gây bệnh nguy hiểm xâm nhập. Vì vậy, đàn heo ở Hoài Ân không có biến động lớn, huyện vẫn duy trì đàn 252 nghìn con, trong đó có 30.000 con heo nái sinh sản, còn lại là heo thịt. UBND huyện cũng chỉ đạo lực lượng thú y hỗ trợ người dân phun thuốc khử độc, sát trùng chuồng trại, tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh cho heo”, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho hay.
Tại TX An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Hoài Nhơn... người dân cũng đang đầu tư tái đàn gia súc, gia cầm với hy vọng sẽ có thu nhập cao vào dịp cuối năm. Bà Nguyễn Thị Hà, một nông hộ chăn nuôi ở xã Phước Lộc (Tuy Phước), chia sẻ: “Để có thêm thu nhập vào thời điểm cuối năm, gia đình tôi đã tái đàn gần 10 heo thịt và tận dụng vườn nhà rộng thả nuôi thêm gần 100 con gà ta, chứ không dám mạo hiểm tăng đàn nhiều”.
Theo ông Cao Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước, trung tâm đã tuyên truyền, khuyến nghị người chăn nuôi không nên phát triển đàn gia súc, gia cầm ồ ạt nhằm hạn chế rủi ro. Thực tế, người dân chủ yếu sử dụng giống hiện có hoặc mua tại các cơ sở sản xuất giống uy tín trong tỉnh về nuôi. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cũng đang được triển khai bằng nhiều biện pháp.
Giám sát chặt, phòng dịch bệnh
Theo ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 316 nghìn con trâu, bò; 7,6 triệu con gia cầm và 650 nghìn con heo. Hiện, người chăn nuôi đang xuất bán vật nuôi đã đủ tuổi, đồng thời tập trung tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thực phẩm cuối năm. Việc đầu tư tái đàn gia súc, gia cầm thời điểm hiện nay sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi thời tiết mưa nắng bất thường, sức đề kháng của vật nuôi giảm.
Mặt khác, nhu cầu tiêu dùng thịt và các sản phẩm động vật trên thị trường tăng cao dễ xảy ra tình trạng vận chuyển, giết mổ, mua bán thịt và các sản phẩm động vật tràn lan, vi rút các loại dịch bệnh nguy hiểm có cơ hội xâm nhiễm. UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương giám sát chặt chẽ việc tái đàn và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết, ngày 1.8, Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc tái đàn heo, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo điều kiện an toàn sinh học mới được tái đàn. Heo giống xuất phát từ cơ sở an toàn dịch bệnh và kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo châu Phi, chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh của cơ quan thú y và chính quyền địa phương mới được thả nuôi. Nguồn heo nuôi trong tỉnh cũng phải đăng ký với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để kiểm tra và khi đảm bảo các điều kiện cần thiết mới được nhập heo nuôi.
Đối với heo giống chuyển từ địa phương này sang địa phương khác phải có xác nhận của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Còn nguồn heo nuôi nhập từ các tỉnh khác về Bình Định, phải có đơn báo nhập heo chăn nuôi với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kiểm tra.
PHẠM TIẾN SỸ