Hội thảo chuyên đề bằng phiên tòa giả định trực tuyến: Giải pháp “tự đào tạo” hiệu quả
Ngày 23.10, lần thứ hai Viện KSND tỉnh tổ chức phiên tòa giả định trực tuyến đến 11 điểm cầu viện KSND cấp huyện. Lần tổ chức này được “nâng tầm” thành Hội thảo chuyên đề về phòng, chống tội mua bán người, là giải pháp quan trọng để nâng cao nghiệp vụ cho các kiểm sát viên.
Quang cảnh phiên tòa giả định được tổ chức ngày 23.10.
Mua bán người là loại tội phạm hết sức nguy hiểm, gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Theo Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang, không chỉ ảnh hưởng đến ANTT xã hội, mua bán người nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em còn để lại hậu quả khôn lường cho gia đình và nạn nhân. Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người muốn đạt được hiệu quả cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Một mặt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức cho người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội; mặt khác, cần phải kiên quyết mạnh tay xử lý những kẻ bất lương gây ra nỗi đau cho các gia đình nạn nhân.
“Tới đây, hình thức tổ chức này sẽ được áp dụng ở quy mô cụm thi đua, gồm cụm các huyện miền núi, trung du và cụm các thành phố, thị xã, huyện đồng bằng. Bên cạnh đó, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục tổ chức các cuộc thi nâng cao kỹ năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự”.
Viện trưởng Viện KSND TRẦN VĂN SANG
Do đó, Viện KSND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề về phòng, chống tội mua bán người thông qua phiên tòa giả định trực tuyến. Không chỉ có 11 viện kiểm soát cấp huyện, tham gia phiên toàn giả định còn có 50 sinh viên đang theo học ngành Luật của Trường ĐH Quy Nhơn. Đây là cơ hội trải nghiệm rất tốt đối với những bạn trẻ trên đường tiếp cận với nghề nghiệp.
Phiên tòa giả định này được xây dựng từ một vụ án có thật xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nguyễn Như Hoa (có chồng người Trung Quốc) đã về Việt Nam và bàn bạc thống nhất với Trần Văn Long tìm kiếm, lừa gạt phụ nữ Việt Nam đưa qua Trung Quốc bán cho người cần vợ. Trần Văn Long vì cần tiền trả nợ và đồng thời không muốn trả nợ cho Trần Thị Bích nên đã nói dối sẽ giúp Trần Thị Bích và Nguyễn Thị Dung qua Trung Quốc làm việc có lương cao. Sau đó, đưa Bích, Dung ra Lạng Sơn để giao cho Hoa. Ngày 17.1.2019, khi Long, Bích, Dung đang nghỉ tại khách sạn ở TP Lạng Sơn chờ Hoa cử người đến đưa sang Trung Quốc thì bị CA tỉnh Lạng Sơn kiểm tra phát hiện; Bích, Dung được đưa về TP Quy Nhơn, sau đó tố cáo hành vi của Trần Văn Long.
Theo cáo trạng, hành vi nêu trên của Nguyễn Như Hoa, Trần Văn Long là nguy hiểm cho xã hội, không chỉ xâm phạm về thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của con người được Hiến pháp quy định, mà còn xâm hại nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, gây hoang mang trong nhân dân, làm mất trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải xử lý bằng pháp luật hình sự để trừng trị, giáo dục bị can và phòng ngừa tội phạm.
Theo dõi phiên tòa giả định có thể thấy, các thành viên tham gia đã diễn “tròn vai”, từ chủ tọa, luật sư đến bị cáo, bị hại. Đặc biệt, phiên tòa thực sự sôi nổi ở phần tranh tụng giữa đại diện viện kiểm soát giữ quyền công tố tại tòa với các thành viên ở từng điểm cầu với vai trò là luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo, bị hại.
Trong vai luật sư bào chữa cho 2 bị cáo, kiểm sát viên (KSV) Phan Tiến Lực (Viện KSND TP Quy Nhơn) thống nhất với tội danh mua bán người, nhưng không đồng ý với các tình tiết định khung hình phạt. Trong đó, bị cáo Trần Văn Long phạm tội vì muốn tránh “nghĩa vụ trả nợ” chứ không phải “trách nhiệm trả nợ”, cũng không có tình tiết phạm tội “vì động cơ đê hèn”.
Còn KSV Trần Điện Ảnh (Viện KSND TP Quy Nhơn) cho rằng kết luận 2 bị cáo phạm tội chưa đạt là không hợp lý, gây bất lợi cho bị hại. Đồng quan điểm, KSV Bạch Nam Chu Lai (Vĩnh Thạnh) cũng cho rằng, trong vụ án này, chỉ cần bị cáo thực hiện hành vi thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Ông Trần Văn Sang cho rằng, thông qua phiên tòa giả định này có thể nhận diện được những thủ đoạn, cách thức mà các bị cáo đã sử dụng để lừa những nạn nhân, từ đó nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, góp phần đấu tranh đối với loại tội này, đem lại bình yên cho xã hội.
“Đây cũng là cơ hội để nâng cao kỹ năng tranh tụng của KSV tại phiên tòa sơ thẩm hình sự, là một trong những giải pháp tự đào tạo nghiệp vụ hiệu quả cho đội ngũ KSV. Qua đó, đáp ứng yêu cầu công tác trong quá trình cải cách tư pháp; hướng đến nền tư pháp trong sạch, công bằng”, ông Sang nói.
MAI LÂM