An toàn, vệ sinh lao động: Thêm cơ hội để thực hiện, quản lý hiệu quả
Dự thảo danh mục công việc và các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đều tăng khá nhiều công việc, máy móc thiết bị so với quy định hiện hành, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Ðiều còn lại là ý thức của chủ sử dụng lao động và người lao động trong thực hiện quy định.
Đầu tháng 12, Bộ LĐ-TB&XH sẽ kết thúc việc lấy ý kiến về 2 dự thảo thông tư ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, thay cho 2 thông tư ban hành năm 2016 đang áp dụng.
Sản xuất nhựa (thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ) nhưng công nhân không dùng bảo hộ. Ảnh chụp tháng 10.2019 tại một cơ sở ở Tuy Phước.
Nhiều bổ sung
Cùng quy định về ATVSLĐ, điểm chung ở cả 2 dự thảo trên là danh mục công việc và thiết bị theo đề xuất tăng mạnh về số lượng so với văn bản ban hành cách đây 3 năm.
Ở Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 38 công việc, tăng 21 công việc so với quy định tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH hiện hành. Trong số này có nhiều ngành nghề, công việc trên thực tế khâu ATVSLĐ còn bị xem nhẹ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là ở đối tượng lao động tự do.
Nhân Tháng hành động về ATVSLÐ lần thứ III năm 2019, Ðoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tổ chức kiểm tra về ATVSLÐ tại 39 DN. Qua đó, phát hiện 365 vi phạm (205 vi phạm về an toàn lao động, 106 vi phạm về vệ sinh lao động).
Có thể kể đến công việc vận hành các loại máy nông nghiệp như máy tuốt, máy gặt, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật; vận hành máy bơm xăng, dầu và giao nhận xăng, dầu; chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ; giết mổ động vật, chăm sóc, chăn nuôi các động vật lớn, nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, các loại thú dữ, tiêu hủy các động vật bị dịch; các công việc hỏa táng, địa táng tại nghĩa trang; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh…
Điểm mới là dự thảo đã xây dựng thêm mục thứ 3 - các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ đặc thù ngành CA gồm 15 loại máy, thiết bị, vật tư, chất.
Dự thảo nêu rõ, người sử dụng lao động sử dụng lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ phải rà soát, lập danh sách và tổ chức huấn luyện cấp thẻ an toàn lao động theo quy định của pháp luật. Sở LĐ-TB&XH mỗi địa phương có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện tới DN, cơ quan, tổ chức, HTX, hộ gia đình và cá nhân có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trên địa bàn; hằng năm báo cáo (đến Bộ LĐ-TB&XH) về tình hình thực hiện cùng với báo cáo về công tác ATVSLĐ.
Thuận lợi hơn
Từ yêu cầu thực tiễn, 2 văn bản pháp luật lao động mới về ATVSLĐ đã được nghiên cứu bổ sung, sắp ban hành, cho thấy công tác ATVSLĐ đã được quan tâm, hoàn thiện về chính sách.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, qua rà soát, bổ sung, dự thảo khắc phục được những mảng, đối tượng chưa được đưa vào danh mục hiện hành, qua đó, quy định trở nên bao quát, đầy đủ hơn, góp phần hoàn thiện chính sách trên cơ sở bám sát đời sống.
Theo Trưởng Phòng Việc làm - Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐ-TB&XH) Huỳnh Ngọc Hải, dự thảo đã kịp thời đưa vào danh mục những nhóm ngành nghề, công việc nguy cơ mất ATVSLĐ cao và khó quản lý, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thực phẩm, các nghề dịch vụ, phân bố ở địa bàn nông thôn, rơi vào bộ phận lao động tự do… khi đi vào áp dụng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyên truyền, quản lý về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, một số nội dung bổ sung thể hiện sự đồng bộ, nhất là với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo ông Hải, thực tế cho thấy, ý thức về ATVSLĐ ở một bộ phận người sử dụng lao động và nhất là người lao động tự do, lao động ở nông thôn vẫn còn rất thấp, trong khi công tác quản lý nhà nước không thể áp dụng như đối với DN (thực hiện thanh kiểm tra, bị xử phạt theo quy định).
“Danh mục có đầy đủ các ngành nghề nguy cơ cao về mất ATVSLĐ, tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho ngành chức năng chúng tôi trong công tác tuyên truyền và quản lý. Sau khi được ban hành, bên cạnh tăng cường phổ biến quy định mới và tuyên truyền thực hiện, Sở dự kiến tiếp tục tham mưu, đề xuất thực hiện tập huấn cho đối tượng lao động không chính thức, lao động tự do ở những nhóm ngành nghề có nguy cơ cao”, ông Hải cho biết.
Được biết, nằm trong chương trình thực hiện Chương trình Quốc gia về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, năm 2018, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 2 lớp tuyên truyền, tập huấn cho người lao động làm nghề đúc đồng tại Đập Đá, An Nhơn. Năm 2019 mở 2 lớp về sử dụng máy cưa, xe tự đổ, máy móc dùng trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Hoài Châu Bắc, Hoài Nhơn.
SAO LY