Lan tỏa những sáng tạo kỹ thuật
Các giải pháp tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề bức xúc của sản xuất và đời sống; khả năng nhân rộng, mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển KT-XH... là những thành công của mùa giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XI.
Sáng 23.10, tại Lễ tổng kết, trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ XI (2018 - 2019), UBND tỉnh đã trao thưởng cho 36 giải pháp (6 giải nhất, 6 giải nhì, 6 giải ba và 18 giải khuyến khích). Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu; cùng đại diện sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tham dự.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng (thứ 4, từ trái sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (bìa phải) trao thưởng cho các tác giả đoạt giải nhất.
Giải quyết khó khăn thực tiễn
Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi đánh giá, đa số ý tưởng giải pháp đều xuất phát từ khó khăn trong thực tế sản xuất, từ trăn trở của người lao động. Giải pháp sau khi được hoàn thiện, quay ngược lại ứng dụng vào thực tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất và đời sống.
“Ðằng sau hiệu quả kinh tế, từng sáng tạo hữu ích của người lao động còn tạo ra động lực thi đua sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, giảm chi phí lao động. Ngoài ra, trong quá trình làm việc nhóm đã thắt chặt tình đoàn kết trong tập thể, từ người quản lý đến công nhân trực tiếp sản xuất. Những điều đó, không thể cân - đo - đong - đếm được bằng vật chất, nhưng hết sức quan trọng”.
Ông NGUYỄN VĂN CHÂU, Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định
Ở mùa giải này, bên cạnh những gương mặt quen thuộc, hội thi còn có nhiều tác giả đến từ các đơn vị lần đầu dự thi, như: Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định, Hội Cầu đường... Điều khá thú vị, ngay lần đầu góp mặt, kỹ sư Trần Văn Đại - Công ty CP Cấp thoát nước Bình Định, đã đạt hai giải nhất và nhì ở cùng lĩnh vực dự thi Cơ khí và tự động hóa, năng lượng, xây dựng, giao thông vận tải. Cả hai giải pháp của kỹ sư Trần Văn Đại đều xuất phát từ mục đích nâng cao năng suất, chất lượng nguồn nước phục vụ khách hàng; hiệu quả trong lao động, sản xuất. Bên cạnh đó, giảm thiểu đáng kể chi phí cho DN; có thể thấy rõ sau hơn 1 năm ứng dụng đã giảm hơn 1 tỷ đồng/năm.
Một trong những giải pháp trên lĩnh vực năng lượng được nhiều người quan tâm là “Mô hình hệ thống năng lượng xanh” của Th.S Nguyễn Thành Trung - giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn. Điểm đáng chú ý của sáng tạo này nằm ở 6 panel lắp đặt thiết bị điện, hai tấm pin năng lượng mặt trời và một tuabin gió. Sáng 22.10, tại xưởng thực hành điện của nhà trường, sinh viên lớp Cao đẳng K12 tỏ ra hứng thú với giờ thực hành trên máy. Sinh viên Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Không thể thường xuyên đến các nhà máy điện tham quan, mô hình của thầy Trung giúp chúng tôi hình dung đầy đủ về hệ thống điện sử dụng năng lượng tái tạo. Tôi thích nhất là bộ hòa lưới, khi nạp điện vào dư thì có thể bán lại cho nhà nước”.
Trong khi đó, lĩnh vực GD&ĐT tiếp tục khẳng định sức sáng tạo với số lượng giải pháp dự thi nhiều nhất. Nhiều sáng tạo là những ý tưởng khai phá khá mới mẻ nhưng khi triển khai vào thực tế dạy học mang lại hiệu quả rất tốt. Ở lĩnh vực Y - Dược, bên cạnh những nghiên cứu đến từ tác giả của các cơ sở y tế tuyến tỉnh còn có sự góp mặt của cơ sở y tế tuyến huyện như sáng tạo “Nghiên cứu đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng bằng NT-proBNP ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn điều trị theo ACC/AHA 2014”, bác sĩ Trần Thúc Khả, Phó Giám đốc TTYT huyện Phù Cát.
Sáng tạo “Mô hình hệ thống năng lượng xanh” của Th.S Nguyễn Thành Trung - Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, hoạt động rất hiệu quả, giúp học sinh, sinh viên hiểu rõ về cơ chế hoạt động, đồng thời tiếp xúc trực tiếp và vận hành máy.
Lan tỏa sâu rộng hơn
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Bình, ngay từ khi phát động hội thi, Ban Tổ chức đã phân công các thành viên đảm nhiệm phụ trách từng lĩnh vực cụ thể để tích cực vận động, hướng dẫn thủ tục, hồ sơ đăng ký tham gia cho các tác giả dự thi. Ban Tổ chức còn trực tiếp thảo luận với một số sở, ngành, đơn vị hoạt động KHCN, đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để vận động tham gia; đặc biệt chú trọng những đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh nhưng chưa tham gia trong các hội thi trước.
Dù vậy, hội thi chưa thực sự trở thành phong trào rộng lớn trong xã hội; nhiều đơn vị, địa phương, DN chưa tích cực tham gia. Hạn chế trên có thể là do công tác tuyên truyền và vận động tham gia hội thi chưa thực sự đến được với các cấp, các ngành; một số đơn vị, DN chưa quan tâm động viên, đôn đốc và hỗ trợ kịp thời các tác giả có sáng kiến kỹ thuật về hồ sơ, thủ tục tham gia dự thi. “Một số lĩnh vực như cơ khí, thủy lợi, xây dựng, vật liệu, hóa chất, năng lượng… còn hạn chế giải pháp dự thi. Một vấn đề nữa là có ít giải pháp của các tác giả, nhóm tác giả trẻ tuổi”, bà Bình nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, đơn vị mình tích cực hưởng ứng hội thi; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có các đề tài, sáng kiến, giải pháp KHKT hữu ích; khuyến khích người lao động tham gia. Có vậy, hội thi sáng tạo kỹ thuật mới lan rộng, tỏa sâu trong xã hội!
NGỌC TÚ