Đề xuất phát triển điện mặt trời trên các hồ thủy lợi
Ngày 23.10, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo về tiềm năng sản xuất điện mặt trời tại các hồ chứa thủy lợi ở Việt Nam vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Tại đây, vấn đề được các chuyên gia nêu ra là nếu khai thác điện mặt trời tại các hồ chứa thủy lợi sẽ có những lợi thế về mặt bằng, đất đai để khai thác nguồn tài nguyên phong phú này, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Đây cũng là mục tiêu Bộ NN-PTNT đặt ra cho phát triển ngành thủy lợi theo hướng “đa nhiệm vụ”, đáp ứng nhu cầu không chỉ của ngành mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Theo GS Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nguyên Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam, chúng ta hiện có khoảng 6.000 hồ chứa thủy lợi, ngoài nhiệm vụ truyền thống là phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, giảm thiệt hại do lũ lụt thì nay, trước yêu cầu của sự phát triển của kinh tế - xã hội, cần phải khai thác những khía cạnh khác của hồ chứa.
Theo Bộ NN-PTNT, tại Việt Nam, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng với công suất 420MW và dự án điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi công suất 47,5MW là những dự án điện mặt trời đầu tiên khai thác diện tích đất và vùng mặt nước của hồ chứa để phát điện thương mại. Các dự án này có thuận lợi lớn trong việc đền bù giải phóng mặt bằng, tổ chức xây dựng và đều đã phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia an toàn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, phát triển năng lượng sạch đang là xu thế. Đến nay điện mặt trời đã đạt gần 4.500MW, vượt cả mục tiêu đến 2025 Quy hoạch điện VII đề ra. Tuy nhiên cần triển khai hiệu quả điện mặt trời trên các hồ chứa thủy lợi; xem xét, tính toán cụ thể những hồ chứa đủ điều kiện để triển khai; có các tiêu chí, quy định khi triển khai điện mặt trời phải đảm bảo an toàn về môi trường, hiệu quả cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Theo VĂN PHÚC (SGGP)