Thêm tư liệu về tháp cổ Champa
Bảo tàng tỉnh phối hợp Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khai quật phế tích tháp Xuân Mỹ (thuộc thôn Xuân Mỹ, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước) trong 2 tháng qua. Những kết quả đầu tiên từ cuộc khai quật đã củng cố thêm luận điểm: Còn rất nhiều giá trị văn hóa Champa ở Bình Ðịnh cần được đầu tư nghiên cứu.
Hiện vật được trưng bày tại buổi báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Xuân Mỹ vào chiều 23.10.
Phế tích tháp Xuân Mỹ tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng có diện tích hơn 1.000 m2 ở đỉnh núi Trảng Bồ. Đây là lần đầu tiên phế tích này được khai quật và hố khai quật đầu tiên được mở rộng khoảng 130 m2 về phía Nam, hố thứ hai chỉ 16 m2, hơi chếch về hướng Đông Bắc. Kết quả khai quật đã làm rõ móng hệ thống vòm cửa phía Đông tháp, mặt tường móng chân đế phía Đông và phía Nam, hố thiêng trong lòng tháp.
“Thời gian tới, Bảo tàng tỉnh cần tiếp tục rà soát lại những phế tích tháp Champa trên địa bàn tỉnh để từng bước tiến hành khai quật nghiên cứu một cách kịp thời, hiệu quả, tạo cơ sở đánh giá toàn diện hơn về hệ thống tháp nói riêng và văn hóa Champa nói chung ở Bình Ðịnh. Qua đó, xây dựng chiến lược, kế hoạch bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị di sản”.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Trương Đông Hải
Qua những bộ phận kiến trúc xuất lộ kết hợp với tính đăng đối vốn có của công trình đền tháp Champa, các nhà khoa học nhận định, tháp Xuân Mỹ có quy cách 12,2 m x 12,2 m, là một công trình đền tháp có quy mô lớn ở Vijaya. Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học Việt Nam, người chủ trì cuộc khai quật - đánh giá: “Các dấu tích kiến trúc xuất lộ tại phế tích tháp Xuân Mỹ là rõ nhất, tốt nhất trong số các phế tích tháp Champa đã được tìm thấy ở Bình Định”.
Cuộc khai quật đã thu được rất nhiều hiện vật chất liệu đá (mí cửa), đồ đất nung (gạch, lá nhĩ gốm, chốt khóa đỉnh vòm cửa, phù điêu makara, chóp tháp góc, gốm trang trí điểm góc, bệ có minh văn, phù điêu động vật, ngói...). Đặc biệt, trong quá trình khai quật đã phát hiện 62 chuôi gốm, phần lớn có khắc chữ; trong đó lần đầu tiên đã tìm thấy chuôi gốm khắc chữ Hán tại một di tích tháp Champa ở Bình Định. Dạng hiện vật này vốn rất hiếm, phần đã tìm thấy cũng chỉ có ở một vài tháp Champa tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế.
Với các kết quả đầu tiên, các nhà khoa học đã thống nhất với nhau ở một số điểm cơ bản như: Phế tích tháp có mặt bằng kiến trúc quy mô lớn, bình đồ hình vuông, có vòm cửa dẫn, tương tự các công trình kiến trúc tháp Champa tại Bình Định. Về vật liệu xây dựng, tại công trình này việc sử dụng đá ong - loại hình vật liệu ảnh hưởng từ văn hóa Khmer - khá phổ biến. Đây là cơ sở để nhận định tháp Xuân Mỹ có niên đại cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII; được xây dựng theo tinh hoa nghệ thuật kiến trúc Champa kết hợp với sử dụng vật liệu mới từ văn hóa Khmer. Những dữ kiện trên phản ánh mối quan hệ mở với các nền văn hóa bên ngoài, khả năng tiếp thu có chọn lọc để làm giàu bản sắc văn hóa của người Champa thời Vijaya.
Từ những kết quả ban đầu, các nhà khảo cổ đã đặt vấn đề: Diện tích đã khai quật chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với mặt bằng tổng thể của phế tích. Điều này dẫn đến một số kiến trúc vẫn chưa xuất lộ rõ hoàn toàn, như chiều dài vòm cửa Đông, mặt Bắc, mặt Tây, hay toàn bộ hố thiêng của ngôi tháp. Mặt khác, với diện tích 1.000 m2 trên đỉnh núi, một câu hỏi lớn đang đặt ra với các nhà khoa học là liệu phế tích tháp Xuân Mỹ là kiến trúc một tháp hay là quần thể nhiều tháp? Để trả lời những câu hỏi trên, cần tiếp tục khai quật nghiên cứu nhiều hơn.
Theo Bảo tàng tỉnh, ở Bình Ðịnh hiện có 35 phế tích đền tháp Champa. Trong gần chục năm qua, đã có những cuộc khai quật tại phế tích các tháp Mẫm, Lai Nghi, Chà Rây, Rừng Cấm... với kết quả chung đều đem đến những phát hiện mới, tìm thấy hiện vật có giá trị. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều cuộc khai quật nghiên cứu nữa. Ðược biết, trong kế hoạch năm 2020, Bảo tàng tỉnh sẽ đề xuất khai quật phế tích tháp Champa ở phường Nhơn Thành, TX An Nhơn.
HOÀI THU