Tây Vinh với nỗ lực giảm nghèo bền vững
Trò chuyện với tôi, ông Dương Ngọc Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn, khẳng định: Tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại xã.
Tính đến ngày 31.7.2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Tây Vinh là gần 23,7 tỷ đồng/7 chương trình/594 hộ vay, so với năm 2014 tăng hơn 8,7 tỷ đồng (tỷ lệ tăng 61%). Từ năm 2015 đến nay, dòng tín dụng này đã giúp 278 hộ ở xã Tây Vinh thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động, hỗ trợ 27 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, góp phần đáng kể giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,83% (năm 2015) xuống còn 8,8%. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được nhân rộng như: Nuôi bò thịt, nuôi gà, vịt thương phẩm, trồng nấm…, nhiều hộ gia đình làm ăn khá giả.
Nhiều phụ nữ ở xã Tây Vinh sử dụng vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện để trồng trọt phát triển mô hình trồng xoài ghép.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Lâm, ở thôn Bỉnh Đức, xã Tây Vinh kể: Chồng chị làm thợ xây, chị làm mấy sào ruộng, nuôi hai đứa con tuổi ăn học, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Năm 2016, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để chăn nuôi, làm nghề đan mây. Đến nay chị đã trả hết vốn vay và thoát nghèo bền vững. “Từ kinh nghiệm của mình, nay tôi đang giúp 3 chị cùng thôn vay vốn, theo nghề đan mây, phát triển kinh tế gia đình”, chị Lâm chia sẻ.
Mặc dù có nhiều thành công nhưng việc khơi dòng tín dụng về với các hộ dân có nhu cầu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đáng kể nhất là vấn đề cân đối nguồn lực tài chính để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm và vay xây mới, sửa chữa nhà ở. Nhóm nhu cầu này rất lớn và chính đáng nhưng hiện chưa thể đáp ứng hết được. Xác nhận việc này, bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, phân tích: Để tháo gỡ, theo tôi, hằng năm HĐND, UBND huyện và các xã, thị trấn nên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương đưa vào dự toán chi ngay từ đầu năm, chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay, đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần chống tái nghèo, bảo đảm thoát nghèo bền vững. Việc bổ sung này rất quan trọng bởi nó không chỉ tăng thêm vốn mà còn tạo sức tác động lên toàn hệ thống, động viên các hộ cần vay rất lớn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Ngọc Hiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Vinh, cho biết: Trong thời gian tới, xã chủ động tổ chức huy động vốn theo kế hoạch đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng. Đặc biệt với những nhu cầu vay vốn bức thiết mới phát sinh như đối với người chăn nuôi thiệt hại do dịch tả heo châu Phi, chúng tôi sẽ chủ động phối hợp linh hoạt giúp bà con tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình chăn nuôi.
VĂN PHONG