Phát huy vai trò cộng đồng trong thực thi luật thủy sản: Khi người dân tự nguyện giữ gìn môi trường biển
Thời gian qua, mô hình tổ đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn đã góp phần giữ gìn hệ sinh thái, môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ, mang lại hiệu quả kinh tế, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân.
Xã Nhơn Hải hiện có 164 ghe thuyền với tổng công suất hơn 3.500 CV hoạt động khai thác thủy sản (KTTS) ven bờ. Trước đây, tình trạng người dân địa phương khai thác san hô, dùng chất nổ KTTS, khai thác rong mơ… làm suy giảm nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ khá phổ biến. Từ năm 2014, khi Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Bình Định hỗ trợ xã thành lập tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ để tuyên truyền nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật cho ngư dân và phối hợp tuần tra, xử lý hoạt động KTTS ven bờ vi phạm, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Tàu cá của ngư dân xã Nhơn Hải khai thác cá cơm tại vùng biển ven bờ của xã.
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân - Tổ trưởng tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ xã Nhơn Hải, cho biết: “Xã đã thành lập 3 nhóm đồng quản lý ở 3 thôn với 360 ngư dân tham gia, phát huy tính cộng đồng trong bảo vệ NLTS. Điều đáng vui mừng nhất là từ năm 2018, Dự án CRSD không còn hỗ trợ nữa nhưng do mô hình mang lại nhiều lợi ích nên chúng tôi vẫn cùng nhau duy trì hoạt động y như trước”.
Sự lựa chọn tự nguyện kể trên của người dân Nhơn Hải cho thấy chính quyền và các ngành chức năng đã đi đúng hướng trong việc triển khai thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ, đặc biệt là trong vấn đề giúp người dân thay đổi nhận thức.
“Ở xã Nhơn Hải giờ đây, trong lĩnh vực KTTS không còn ai làm các nghề Nhà nước cấm nữa. Chúng tôi cùng chung tay bảo vệ rùa biển, bảo vệ các rạn san hô cho tôm cá sinh sống, để đảm bảo sinh kế bền vững cho chính mình”.
Ông Phạm Văn Tài, một người dân ở thôn Hải Nam, thẳng thắn: “Ở xã Nhơn Hải giờ đây, trong lĩnh vực KTTS không còn ai làm các nghề Nhà nước cấm nữa. Chúng tôi cùng chung tay bảo vệ rùa biển, bảo vệ các rạn san hô cho tôm cá sinh sống, để đảm bảo sinh kế bền vững cho chính mình. Khi phát hiện ghe thuyền nơi khác đến vùng biển của xã đánh bắt bằng nghề cấm, bà con báo cáo với chính quyền để xử lý. Đến nay, do biết tiếng dân Nhơn Hải đoàn kết bảo vệ biển nên những người hành nghề cấm cũng không dám đến đây nữa!”.
Năm 2016, HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải được thành lập đảm nhận việc bảo vệ rạn san hô, thu gom rác thải trong xã. Ông Trần Thanh Thâm, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch - thủy sản xã Nhơn Hải, cho hay: “Sau khi tỉnh giao hơn 12 ha mặt nước biển để HTX quản lý theo phương thức quản lý cộng đồng, HTX đã thả phao khoanh vùng 2 ha mặt nước tại khu vực đảo Hòn Khô nhỏ để hướng dẫn du khách lặn ngắm san hô, hướng dẫn phương tiện chở khách du lịch neo đậu tránh tác động đến rạn san hô. Đồng thời phối hợp tổ đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ của xã tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái biển. Thời gian đầu cũng có một số khó khăn nhưng càng về sau, mọi việc thuận lợi dần, khi quen rồi thì thấy thoải mái”.
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, đơn vị đã tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh củng cố mô hình đồng quản lý ở xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), tiếp tục đề xuất giao quyền quản lý cho tổ đồng quản lý ở 2 xã Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ngư dân.
Trong chuyến kiểm tra mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS ven bờ tại xã Nhơn Hải vào ngày 12.10 vừa qua, đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội ghi nhận những kết quả thực hiện mô hình ở xã Nhơn Hải và các địa phương khác trong tỉnh đã góp phần thực thi Luật Thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội - Trưởng đoàn công tác, nhấn mạnh: “Việc người dân tự nguyện cùng nhau bảo vệ môi trường biển là một dấu hiệu rất tích cực. Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Luật Thủy sản trong thực hiện mô hình đồng quản lý bảo vệ NLTS, chúng tôi sẽ đề xuất làm việc với các bộ, ngành Trung ương giải quyết. Nhưng trước mắt, tỉnh Bình Định nên tăng cường hỗ trợ cộng đồng ngư dân tham gia tích cực mô hình quản lý bảo vệ NLTS ven bờ, giao quyền quản lý cho cộng đồng theo quy định của Luật Thủy sản, nhằm phát huy vai trò cộng đồng ngư dân thực thi Luật Thủy sản”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN