Dân lấn chiếm đất lâm nghiệp đã có chủ
Khoảng tháng 7 đến tháng 8.2019, gần 100 hộ dân ở các thôn: Hội Trung, Hội Long, Vạn Hòa thuộc xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân, tự ý vào tiểu khu 68, xã Ân Hảo Đông bao chiếm trên 160 ha đất lâm nghiệp do Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn quản lý, canh tác, sau đó phát dọn thực bì, đào hố trồng keo trái phép. Trước đó, Công ty TNHH trồng rừng Quy Nhơn đã khai thác keo trên diện tích nói trên. Lợi dụng đất trống, người dân địa phương chiếm, rồi trồng keo để “xí” phần đất. Tình trạng này diễn ra công khai, trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp đã có chủ bị nhiều người dân ở xã Ân Hảo Đông lấn chiếm, trồng keo trái phép.
Đáng nói, trước đây, tình trạng người dân ở xã Ân Hảo Đông lấn chiếm đất lâm nghiệp có chủ đã từng xảy ra. Tuy nhiên, chủ rừng, chính quyền địa phương và ngành chức năng liên quan chưa có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm. Điều này dẫn đến nảy sinh tâm lý “so bì” - người này làm được thì người khác cũng làm được - nên người dân lại tiếp tục có hành vi vi phạm tương tự.
Ngày 21.10, PV Báo Bình Định đến UBND xã Ân Hảo Đông để tìm hiểu cụ thể vụ việc, ý kiến và hướng xử lý của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cả cán bộ địa chính và ông Nguyễn Đình Hưng - Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Đông - đều từ chối cung cấp thông tin với lý do “vụ việc nhạy cảm”, phải chờ ý kiến của cấp trên (?!).
Trong khi đó, một cán bộ Phòng TN&MT huyện Hoài Ân xác nhận có xảy ra tình trạng nhiều người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp đã có chủ tại xã Ân Hảo Đông. UBND huyện Hoài Ân và các phòng, ban chức năng có liên quan của huyện đã họp, đưa ra hướng xử lý. Quan điểm của huyện là xử lý kiên quyết, nghiêm minh để lập lại trật tự trong quản lý đất lâm nghiệp nói riêng, đất đai trên địa bàn huyện nói chung.
Còn ông Hoàng Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: UBND huyện đã báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh đối với vụ việc này. Tới đây, huyện sẽ yêu cầu các hộ có hành vi lấn chiếm đất, trồng keo trái phép tự nhổ bỏ toàn bộ số cây đã trồng. Trường hợp các hộ không chấp hành, huyện tổ chức cưỡng chế nhổ bỏ cây, thu hồi đất trả lại cho chủ rừng theo đúng quy định pháp luật.
CÔNG LUẬN