Phát triển Thừa Thiên-Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc TW
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, việc phát triển Thừa Thiên-Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra cơ chế để huy động được nhiều hơn sự quan tâm đầu tư từ Trung ương bởi Huế là cố đô, là di sản quốc gia, di sản văn hóa thế giới, là thương hiệu của đất nước.
Du khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội thảo "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế tổ chức ngày 25.10, tại TP Huế.
Hội thảo nhằm có thêm cơ sở hoàn thiện Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X), từ đó đề xuất Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh Thừa Thiên-Huế là một trung tâm văn hóa lớn của đất nước. Trong 10 năm qua, tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định trong quá trình phát triển, tuy nhiên chưa đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc xây dựng định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới cần dựa trên những yếu tố đặc thù, lợi thế so sánh riêng có của Thừa Thiên-Huế so với những địa phương khác, đó chính là di sản văn hóa và con người Huế.
Thừa Thiên-Huế phải hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân: khá giả về vật chất, đời sống tinh thần phong phú, gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh phát triển du lịch, Thừa Thiên-Huế cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, công nghiệp sạch thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế, tỉnh đã xác lập được vị trí là đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp. Thừa Thiên-Huế từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục đào tạo lớn của cả nước.
Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả tích cực. Đô thị Huế được công nhận là "Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", "Thành phố văn hóa ASEAN", "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố Xanh quốc gia".
Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa có tính đột phá, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, thu ngân sách còn thấp và chưa bảo đảm tự cân đối ngân sách, thiếu những doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt nền kinh tế đi lên...
Đến năm 2030, Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu trở thành thành phố di sản quốc gia theo hướng văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh; là trung tâm lớn và đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á về văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao; là trung tâm của cả nước về khoa học công nghệ; là nơi đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; quốc phòng an ninh được đảm bảo vững chắc, hệ thống Đảng, hệ thống chính trị giữ vững.
Đến năm 2045, Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố di sản, thành phố Festival, trung tâm du lịch, văn hóa và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiều chủ đề như những trụ cột phát triển của Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới, nội hàm của khái niệm thành phố di sản, mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế, vai trò của Thừa Thiên-Huế trong liên kết phát triển vùng.
Theo Đỗ Trưởng (TTXVN/Vietnam+)