Lễ nghi Oóc Om Bóc (hay cúng Trăng)
Một trong những hoạt động văn hóa không thể thiếu tại Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Sóc Trăng lần thứ I năm 2013 (khai mạc ngày 15.11.2013), đó là lễ Oóc Om Bóc, hay còn gọi là cúng Trăng.
Hai vị Achar thường ngồi 2 bên bàn cúng trong trang phục chỉnh tề, thay phiên thắp 3 cây nến trên cùng và giới thiệu các lễ vật dâng lên thần mặt Trăng.
Theo các truyện trong kinh điển phật giáo và cổ tích Khmer, người ta lý giải rằng, Lễ hội cúng Trăng ra đời từ một câu chuyện nói về tiền kiếp của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đó là vào một đêm rằm trăng tròn, có một con thỏ phát nguyện muốn hiến thể xác của mình cho bất kỳ ai cần đến, để sớm hóa kiếp khác. Lời nguyền đó ngay lập tức được vị thần Prés-ânh đang ngự ở trên trời nghe được. Ngài liền hạ giới, biến thành một cụ già, lom khom đến gần con thỏ xin được ăn thịt. Thỏ liền đồng ý, bảo thần Prés-ânh hãy đi lấy củi và nhóm lửa lên, trong khi chờ Thỏ tắm cho sạch sẽ. Khi ngọn lửa đã cháy to, thỏ liền nhảy vào đống lửa tự thiêu mình, biến thành thức ăn cho cụ già (thần Prés-ânh). Thế nhưng, khi đó ngọn lửa không những không thiêu chết thỏ mà còn tắt đi. Xúc động trước việc làm thiện tính đó, thần Prés-ânh bồng lấy thỏ, bay một mạch lên cung Trăng và dùng phép màu vẽ hình thỏ in vào mặt Trăng mãi mãi về sau này để con người thấy mà soi gương. Cũng từ đó, Lễ hội Cúng Trăng ra đời.
Cách thức tổ chức nghi Lễ Cúng Trăng
Đối với người Khmer, việc tổ chức Lễ Cúng Trăng diễn ra vào đêm rằm Khe Ka-đâk (tháng 10 âm lịch), cũng là ngày cuối cùng của mùa hạ và là thời gian thu hoạch hoa màu đủ loại, trong đó có lúa nếp là sớm nhất. Để nhớ ơn thần mặt Trăng, người ta lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp với các hoa màu khác để cúng Trăng. Đêm đó, từng gia đình người Khmer tựu trước sân nhà hoặc tập trung lại khuôn viên chùa, hay nhiều gia đình cùng mang lễ vật đến một nơi rộng rãi trong phum sóc, không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng Trăng. Nơi đó được chọn cao ráo, sạch sẽ đào lỗ chôn hai trụ bằng tre hai bên, mỗi bên cách nhau 1,5m buộc thêm một khúc tre làm đà ngang tạo thành cổng hình chữ nhật, tạo ra giới hạn giữa cõi nhân gian bên trong cổng và phía ngoài là thế giới của các thần tiên.
Cách trang trí
Chọn 24 lá trầu tươi xanh, cuộn tròn rồi xâu kết vào 2 sợi chỉ, mỗi bên 12 lá rồi giăng lên hai bên trụ; một bên là tượng trưng cho 12 con giáp, một bên tượng trưng cho 12 tháng của năm; 7 trái cau chẻ vỏ tựa cánh ong rồi xâu lại, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần luôn khỏe mạnh, làm ăn thuận lợi. Để trang trí lộng lẫy, người ta thêm các nhánh đủng đỉnh và những cây mía thẳng lóng đẹp nhất; có thể treo thêm các chuỗi hoa hồng, hoa cúc được xâu tỉ mỉ.
Đồ cúng chọn các loại sản vật trong mùa vụ tự sản xuất được: Khoai lùn, khoai môn, khoai lang, mía, dừa, chuối xiêm,… đặc biệt không thể thiếu là cốm dẹp. Khi mặt Trăng nhô lên cao, lễ hội chính thức bắt đầu bằng những giai điệu nhộn nhịp tại sân chùa, hay sân nhà. Những đứa trẻ đeo mặt nạ thần Haloman (thần Khỉ) và chằn tinh cùng nhau nhảy điệu múa Sadăm thật rộn rã. Hai vị Achar thường ngồi 2 bên bàn cúng trong trang phục chỉnh tề, thay phiên thắp 3 cây nến trên cùng và giới thiệu các lễ vật dâng lên thần mặt Trăng. Sau đó, họ kể lại truyền thuyết về đức Phật Thích Ca qua sự tích “Con thỏ và mặt Trăng”.
Khi mặt Trăng lên đúng đỉnh đầu, các vị AChar thắp nhang và đọc kinh khấn nguyện lên thần linh. Lấy từng món đồ cúng đút cho những đứa trẻ, đút cốm dẹp cuối cùng, rồi vỗ vào lưng và hỏi ước mơ sau này lớn lên sẽ làm gì? Câu trả lời là sự tiên toán về tương lai của chúng và là điềm báo mùa màng cũng như sự bình yên của phum sóc trong năm.
Xuất phát từ truyền thuyết trên, hàng năm, người Khmer làm lễ để chuộc tội và tạ ơn với các vị thần. Lễ hội Cúng Trăng (Oóc Om Bóc), Thả đèn nước (Lôi protip), Thả đèn trời (Bong Hoskom), hội đua ghe Ngo chính là hình thức mà người Khmer muốn bày tỏ lòng tri ơn của mình đối với các vị thần nước, thần đất, cầu xin mưa thuận gió hòa, sự tha thứ của thần về những hình động của con người đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh.
Mặt khác, mặt Trăng trong quan niệm của người châu Á mang biểu tượng của âm tính, của cái lạnh, sự ẩm ướt, của mùa mưa. Chính vì thế, cúng Trăng cũng chính là tiễn mùa mưa, đón chào mùa khô, là cuộc đưa nước trở về trời, về nơi khởi nguồn, để rồi sau đó đổ những cơn mưa xuống cõi trần, mang lại mầm sống mới cho con người và các loài vật.
. Theo Văn hiến Việt Nam/CTT ST - THẠCH PÍCH