Trợ lực cho sản phẩm đặc trưng
Sau nhiều năm đầu tư chăm sóc, đến nay vườn bưởi da xanh hơn 200 gốc của ông Nguyễn Tấn Trung, ở xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân đã đến kỳ thu hoạch, cho thu nhập khá. Ông Trung thổ lộ: “Nhờ sự hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật của huyện, nên việc đầu tư, chăm sóc bưởi thuận lợi. Năm nào bưởi cũng sai quả, màu sắc đẹp, thơm ngon, thương lái thường đến đặt mua sớm. Năm trước tôi bán sỉ tại vườn trên 4 tấn bưởi, lãi khoảng 70 triệu đồng, năm nay vườn sai quả hơn, chắc chắn thu nhập sẽ cao hơn”. Vườn bưởi của ông Trung chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về hiệu quả của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang triển khai ở huyện Hoài Ân nói riêng, ở toàn tỉnh nói chung.
Sản phẩm chè Gò Loi, huyện Hoài Ân thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hoài Ân, UBND huyện đã quy hoạch 250 ha bưởi da xanh, 30 ha chè Gò Loi - 2 sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đồng thời tăng cường quảng bá, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật và vốn cho nông dân đầu tư phát triển theo tiêu chuẩn VietGAP. Huyện Hoài Ân cũng đang phối hợp với ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh quy mô toàn huyện, thu hút hơn 29.000 hộ tham gia, hỗ trợ xây dựng hầm khí sinh học và máy móc xử lý chất thải chăn nuôi, xúc tiến xây dựng Trung tâm thu mua gom động vật và giết mổ tập trung tại xã Ân Phong và ký kết hợp tác cung cấp heo thịt cho TP Đà Nẵng.
Cũng như Hoài Ân, các địa phương khác, như: Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, TX An Nhơn… cũng đã lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, ưu tiên hỗ trợ phát triển. Riêng huyện Hoài Nhơn đã lựa chọn sản phẩm: Cá ngừ đại dương, nước mắm, bánh tráng nước dừa, dầu dừa tinh khiết và một số sản phẩm khác từ dừa để hỗ trợ phát triển. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: Chúng tôi hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật và quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của địa phương. Nhờ vậy, các cơ sở sản xuất sản phẩm nói trên đều có thu nhập cao.
Theo ngành chức năng của tỉnh, toàn tỉnh có 31.539 DN, HTX, tổ hợp tác, cá nhân, hộ gia đình tham gia sản xuất trên 72 sản phẩm mang tính đặc thù địa phương, có lợi thế cạnh tranh được ưu tiên hỗ trợ phát triển. Thời gian qua, bên cạnh việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm được lựa chọn là sản phẩm đặc thù của địa phương; các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền địa phương đã tư vấn, hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia OCOP đăng ký ý tưởng đầu tư phát triển sản phẩm (hoàn thiện sản phẩm đã có hoặc phát triển sản phẩm mới). Đến nay, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ nhất năm 2019 cho 50 sản phẩm từ hạng 3 đến hạng 5 sao.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Sở NN&PTNT tiếp tục tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét các giải pháp phát triển sản phẩm Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ người dân nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
PHẠM TIẾN SỸ