Bàn giải pháp phát triển hệ thống logistics của quốc gia và khu vực
(BĐ) - Ngày 26.10, tại TP Quy Nhơn, Trường Đại học Quy Nhơn phối hợp với Học viện Chính trị Khu vực 1 thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường Đại học Brement (Đức) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thực trạng và giải pháp phát triển hệ thống logistics quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quang cảnh hội thảo.
Tham dự hội thảo có hàng chục nhà khoa học, các chuyên gia đến từ Trường Đại học Paris 13 (Pháp) và các Trường Đại học trong cả nước, Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Bình Định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh đến dự và phát biểu chào mừng hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ - Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, nhấn mạnh: Với sự hiện diện trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều thành công cho nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống logistics phát triển góp phần mở rộng thị trường trong thương mại quốc tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Logistics có tác dụng như chiếc cầu nối trong việc chuyển dịch hàng hóa trên các tuyến đường mới đến các thị trường mới đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra. Đặt trong bối cảnh đó, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 5 tỉnh, thành phố gồm Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng trải dài trên 609 km bờ biển, với tổng diện tích hơn 27.976 km2, chiếm khoảng 8,4% diện tích tự nhiên của cả nước. Vùng hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, giao lưu hàng hóa dịch vụ và phát triển logistics. Trong đó, hệ thống cảng biển có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế, phát triển logistics của vùng như cảng quốc tế Quy Nhơn, Chân Mây, Liên Chiểu, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống logistics Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung còn trong quá trình xây dựng và phát triển, từ yếu tố cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, DN sử dụng dịch vụ logistics… Do vậy đã làm cho năng lực cạnh tranh logistics còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước.
Nguồn: BTV
Tại hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các DN đã phát biểu tham luận đóng góp nhiều giải pháp khả thi, mang tính thực tiễn cao, nhằm đẩy mạnh phát triển hệ thống logistics, góp phần đóng góp vào tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách nhanh chóng.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: Là 1 trong 5 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định xác định rõ để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tỉnh đã từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối giao thông đồng bộ. Đồng thời, phối hợp với Bộ GTVT nâng cấp các cảng biển, cảng hàng không, hệ thống đường bộ và đường sắt đi qua địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu phát huy hiệu quả. Tỉnh mong muốn thông qua hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ đưa ra các giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của Bình Định nói riêng và cả khu vực nói chung.
N. HÂN