Đào tạo nghề cho lao động nông thôn:
Góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân
Từ đầu năm 2013, Sở NN-PTNT được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT), nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Bùi Đắc Cường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - đơn vị được ngành Nông nghiệp tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho LĐNT.
Được đào tạo nghề, tiếp thu kiến thức mới về trồng trọt, chăn nuôi…, nông dân áp dụng vào thực tế sản xuất có hiệu quả hơn, tăng năng suất, tăng thu nhập.
- Trong ảnh: Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa lai. Ảnh: N. HÂN
* Năm 2013 là năm đầu tiên UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT, ông có thể cho biết về kết quả triển khai công tác này?
- Xác định nhiệm vụ chung của công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn, ngay từ đầu năm 2013, Chi cục đã xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nghề và định mức chi phí đào tạo cho 12 nghề nông nghiệp thuộc danh mục các nghề được Bộ NN-PTNT ban hành chương trình và giáo trình dạy nghề. Đồng thời, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người dân khu vực nông thôn, Sở NN-PTNT đã trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục, chương trình khung và định mức phí đào tạo cho các nghề, gồm: quản lý công trình thủy nông; sửa chữa trạm bơm điện; kỹ thuật câu vàng cá ngừ đại dương; đánh bắt hải sản bằng lưới vây; chẩn đoán bệnh động vật thủy sản; nuôi và phòng trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; quản lý dịch hại tổng hợp; trồng và nhân giống nấm; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo heo, bò; kỹ thuật trồng lúa năng suất cao…
Đến nay, qua gần 1 năm triển khai, Chi cục đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trong toàn tỉnh đã tổ chức triển khai được 27 lớp dạy nghề với 890 học viên nông dân tham dự, tổng kinh phí đào tạo nghề gần 1,7 tỉ đồng. Các lớp đào tạo nghề có đông học viên tham gia gồm: Nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm (14 lớp với 465 học viên tham gia); trồng và nhân giống nấm (5 lớp - 175 học viên tham gia); kỹ thuật trồng lúa nước năng suất cao (3 lớp - 70 học viên tham gia)…
Qua đánh giá nhận xét, việc triển khai công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT mang lại kết quả khả quan, các học viên tham gia các lớp đào tạo nghề có điều kiện tiếp thu những kiến thức mới về trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản để áp dụng vào thực tế sản xuất. Các cơ sở dạy nghề đều cố gắng hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề được giao, hầu hết các lớp dạy nghề được tổ chức dạy lưu động trên địa bàn xã, thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho học viên theo học nghề. Trong công tác dạy nghề, các đơn vị, cơ sở lấy phương châm thực hành là chính nên nông dân dễ tiếp thu các tiến bộ KHKT mới để áp dụng vào thực tế sản xuất…
* Trong năm 2014, kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT sẽ được Chi cục triển khai như thế nào, thưa ông?
- Năm 2013 tuy là năm đầu tiên Chi cục triển khai công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhưng kết quả mang lại rất khả quan. Đáng ghi nhận là hầu hết các học viên nông dân tham gia các lớp đào tạo nghề đã biết ứng dụng các kiến thức KHKT mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình. Từ kết quả đó, năm 2014, Chi cục đã tham mưu Sở NN-PTNT lên kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho 1.020 học viên nông dân với tổng kinh phí đào tạo trên 2 tỉ đồng. Trong đó, sẽ ưu tiên cho các học viên thuộc diện đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, nông dân bị thu hồi đất... Hiện nay, để việc đào tạo nghề phù hợp với yêu cầu của nông dân, Chi cục đang phối hợp với ngành chức năng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân để xây dựng kế hoạch và lên danh sách đăng ký học nghề, triển khai công tác dạy nghề có hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng sẽ tiến hành rà soát, cập nhật, xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt một số danh mục nghề mới sẽ đào tạo trong giai đoạn 2014-2020. Tiếp tục phối hợp với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả, chú trọng công tác đào tạo nghề cho LĐNT tại các xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015, nhằm giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào công tác dạy nghề cho LĐNT...
* Ông có đề xuất, kiến nghị gì với tỉnh và các ngành chức năng trong việc hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT trong thời gian tới?
- Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT mang lại hiệu quả cao, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo các địa phương, huy động sự tham gia tích cực của các hội, đoàn thể thực hiện tốt và có hiệu quả việc đào tạo, dạy nghề cho nông dân. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhu cầu phát triển sản xuất của hộ gia đình. UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phải tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng kế hoạch chi tiết đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề. Các cơ sở đào tạo nghề phải đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề đồng bộ, đội ngũ giáo viên đảm bảo đạt chuẩn, chương trình, giáo trình đào tạo nghề thiết thực, phù hợp với sản xuất, công nghệ mới và phù hợp với sản xuất nông nghiệp tại địa phương…
* Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)