Vươn xa bánh tráng xứ dừa
Không chỉ là một món ăn truyền thống mang đậm hương vị địa phương, chiếc bánh tráng mỏng manh còn chứa đựng rất nhiều tâm huyết của những người con xứ dừa với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống. Nhờ vậy, bánh tráng Hoài Nhơn bền bỉ phát triển, không ngừng thay đổi để thích nghi với thị trường.
Nghề nhọc công
Ở lò bánh tráng nước dừa của ông Trần Thanh Bình tại thôn An Thái (thị trấn Tam Quan-huyện Hoài Nhơn), không khí đã nhộn nhịp từ tờ mờ sáng. Tầm 4-5 giờ sáng, những người làm bánh đã chuẩn bị nguyên liệu, nổi lửa tráng bánh, đến khi trời vừa hửng nắng thì những mẻ bánh đầu tiên cũng được đem ra sào phơi. Ở nhiều địa phương khác trong huyện, những ngày nắng các lò bánh vẫn đều đặn đỏ lửa. Theo thống kê của phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, chỉ tính riêng làng nghề bánh tráng, bún số 8 xã Tam Quan Nam đã có hơn 380 hộ làm nghề. Và số hộ làm bánh tráng của cả huyện thì không thể thống kê đầy đủ vì quá nhiều và quy mô khác nhau.
Hiện nay, một cơ sở sản xuất nhỏ, từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa có thể cho ra lò 1 thiên bánh (1.000 chiếc). Mỗi chục bánh bán với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng tùy theo kích cỡ, độ dày mỏng khác nhau. Trừ chi phí, mỗi thiên bánh lãi khoảng 500-600 ngàn đồng, trừ công người phụ (100 ngàn đồng/ngày), chủ lò còn lãi được vài trăm ngàn đồng. Không chỉ sản xuất bánh tráng nước dừa, các lò bánh còn làm thêm bánh tráng gạo với đủ chủng loại khác nhau để phù hợp với nhu cầu thị trường.
Cách làm bánh tráng ở Hoài Nhơn về cơ bản cũng giống như ở các nơi khác. Điều làm nên sự khác biệt là ở nguyên liệu. Nguyên liệu chính của bánh tráng nước dừa là bột mì, nước cốt dừa và gia vị. Để bánh có hương vị ngon, bột mì phải được lọc bỏ hết chất chua, dừa phải già đủ độ, dày cơm để cho ra nước cốt béo ngậy. Ngay cả gia vị cũng được người làm bánh tỉ mẩn lựa chọn, hành là loại củ nhỏ, thơm, độ cay, mặn, ngọt được gia giảm vừa đủ để khi chiếc bánh gặp lửa, phồng lên, mùi hành phi quyện với mùi béo của mè, của nước cốt dừa, của tiêu sẽ tạo nên hương vị rất riêng, kích thích vị giác.
Chị Trần Thị Ánh, con gái ông Trần Thanh Bình, chia sẻ: “Nhà tui làm bánh tráng nước dừa đã hơn 30 năm nay. Nghề này không có bí quyết gì đặc biệt, nhưng để bánh ngon thì nguyên liệu phải ngon, phơi đủ nắng, phải có kinh nghiệm để khi tráng bánh, quây gáo quanh miếng vải phải đều và nhanh tay để bột không đóng cục, bánh không bị chỗ mỏng chỗ dày. Nghề này thực ra không khó nhưng phải nhọc công”.
Chủ động tiếp cận thị trường
Cách đây khoảng mươi năm, nghề làm bánh tráng nước dừa ở Hoài Nhơn rơi vào cảnh ế ẩm vì không cạnh tranh nổi với bánh tráng nước dừa Bến Tre. Cùng là sản phẩm giống nhau nhưng bánh của Bến Tre kích cỡ vừa phải, lại được đóng bao bì, mẫu mã đẹp. Trong khi đó, bánh tráng nước dừa Hoài Nhơn khổ bánh to và dày, khách du lịch muốn mua làm quà nhưng vận chuyển khó khăn nên ngại.
Những năm gần đây, các hộ làm nghề trong huyện đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, kết hợp máy móc với nghề thủ công nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bánh được sản xuất theo yêu cầu của bạn hàng, muốn dày mỏng hay thêm bớt gia vị đều được các lò bánh đáp ứng. Ông Nguyễn Chí Công, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Sau nhiều năm khó khăn, hiện nay một số làng nghề truyền thống ở Hoài Nhơn, trong đó có làng bánh tráng và bún số 8 ở xã Tam Quan Nam đã được phục hồi, mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân trong huyện và tạo được công ăn việc làm cho nhiều người dân, nhất là lao động nữ. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu để người tiêu dùng biết đến sản phẩm làng nghề nhiều hơn. Bên cạnh đó, đã có một số doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, làm đầu mối tiêu thụ để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị của sản phẩm truyền thống này”.
Dù bánh tráng nước dừa đã có sẵn “thương hiệu” từ lâu nhưng “hữu xạ tự nhiên hương” là chính. Để mở rộng thị trường, từ năm 2008, thương hiệu bánh tráng nước dừa Ngọc An của HTXNN Ngọc An (thôn Ngọc An, xã Hoài Thanh Tây) đã có mặt tại hệ thống Co.opmart. Để có thể chen chân vào kênh phân phối hiện đại này, Ngọc An đã chủ động đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì bắt mắt, có nhiều kích cỡ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. HTX cũng rất chăm chỉ tham gia các hội chợ thương mại khắp trong Nam, ngoài Bắc để quảng bá sản phẩm. Hiện nay, ngoài sản xuất ngay tại chỗ, HTX còn có khoảng 8 hộ “vệ tinh” sản xuất liên tục mới đáp ứng đủ đơn đặt hàng. HTX đưa ra quy trình sản xuất, thường xuyên kiểm tra các hộ “vệ tinh” để đảm bảo chất lượng bánh đạt tiêu chuẩn. Với nỗ lực không ngừng của HTX, bánh tráng Ngọc An không chỉ được bày bán trong hệ thống Co.opmart mà còn được tiêu thụ ở Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh…
Phát triển “thương hiệu” đặc sản
Bánh tráng nước dừa là món quà thơm thảo mà người xứ dừa hay lựa chọn làm quà tặng để giới thiệu đặc sản của quê mình. Bằng cách đó, người Hoài Nhơn đã tạo nên “thương hiệu” bánh tráng cho riêng mình trong lòng bạn bè phương xa. Người dân xứ dừa còn tham vọng đưa bánh tráng Hoài Nhơn “thương mại hóa” một cách bài bản theo hướng công nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm cho lao động địa phương. Bốn năm trước, anh Phạm Quốc Bảo, một người con xứ dừa đã cùng 2 người bạn đồng hương bỏ phố quay về quê mở công ty sản xuất bánh tráng. Trong quá trình mày mò tìm hiểu trang thiết bị, Bảo nhận thấy máy tráng bánh chỉ tráng được 1 lớp, trong khi, bánh tráng truyền thống Hoài Nhơn có 2 lớp, dày, thơm. Mang chiếc máy đầu tiên từ TP Hồ Chí Minh về, Bảo cùng anh em tự “độ” thêm 1 bộ tương tự, nối với nhau bằng những thiết bị tự chế tạo, cho ra lò loạt sản phẩm công nghiệp bánh tráng vuông, tráng được 2 lớp như bánh truyền thống. Bánh tráng được nướng thủ công, vào bao bì, hút chân không với tên gọi DALOP đã dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Hiện nay, bánh tráng nướng sẵn DALOP có 2 loại là bánh tráng gạo và bánh tráng nước dừa làm từ bột gạo, gồm 10 chủng loại, không chỉ có mặt ở các nhà hàng trong tỉnh và còn được phân phối khắp 10 tỉnh miền Trung - Tây nguyên.
Công ty của Bảo có khoảng 40 lao động tại chỗ. Vừa dẫn tôi tham quan xưởng sản xuất, anh Bảo vui vẻ tâm sự: “Khi còn làm việc ở TP Hồ Chí Minh, thấy nhiều chị em phụ nữ quê mình phải xa nhà mưu sinh, tôi đã nghĩ, nếu có việc làm ở quê, thì họ sẽ bớt vất vả, không phải xa gia đình. Hơn nữa, nhà tôi đã làm bánh tráng hơn 20 năm, mỗi khi về quê, bạn bè vẫn hay nhờ gửi mua bánh tráng làm quà. Ý tưởng sản xuất một loại bánh tráng có thể ăn ngay đã hình thành từ đó. Trải qua nhiều khó khăn, rất may mắn là tôi đang đi đúng hướng”.
Một ngày rong ruổi qua khắp các lò bánh tráng ở Hoài Nhơn, nhìn những bàn tay thoăn thoắt tráng bánh bên bếp lò đỏ lửa nghi ngút khói, những sào bánh tráng trắng lấp lánh dưới nắng, cảnh người làm bánh ngóng thời tiết, tất bật nâng niu từng nong bánh mới cảm nhận được sự gắn bó thiết thân của người dân với nghề truyền thống. Ông Nguyễn Thông, Phó Chủ nhiệm HTXNN Ngọc An, bày tỏ: “Kinh doanh các sản phẩm truyền thống là một hướng mới của HTX để giúp xã viên tăng thêm thu nhập từ nghề truyền thống. Hơn nữa, thị trường bánh tráng nước dừa được mở rộng cũng góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị của các sản phẩm khác ở địa phương như: dừa, bột mì, bột gạo… Và quan trọng hơn hết là đặc sản của xứ dừa được nhiều người biết đến”.
MAI HỒNG