Quyết liệt giảm nghèo cho hộ người có công
Những tháng cuối năm 2019, các địa phương đang khẩn trương triển khai các giải pháp để có thể tăng tốc trong công tác xóa nghèo cho hộ người có công với cách mạng, đảm bảo Kế hoạch số 85 của UBND tỉnh.
Sự hỗ trợ của các tổ chức, cộng đồng sẽ góp thêm động lực cho hộ người có công nghèo giảm nghèo.
- Trong ảnh: Trung tâm nghiên cứu và phát triển Văn hóa Hùng Vương Việt Nam chi nhánh Bình Định và chi nhánh Quảng Nam - Đà Nẵng tặng quà cho người có công tại Trung tâm Chăm sóc và điều dưỡng người có công tỉnh.
Giảm nghèo bền vững là một hành trình dài, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hỗ trợ lâu dài. Nhiều năm nay, trong công tác giảm nghèo nói chung, các địa phương đã dành sự ưu tiên cho hộ người có công với cách mạng nhằm đảm bảo mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% hộ gia đình có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Kế hoạch 85 của UBND tỉnh thúc đẩy các địa phương năng động và quyết tâm hơn trong công tác xóa nghèo cho hộ người có công.
Theo ông Lê Văn Dự, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân, từ đầu năm, huyện đã yêu cầu các địa phương dành sự ưu tiên trong các hỗ trợ đối với hộ người có công thuộc diện nghèo. Thông qua các hình thức như hỗ trợ cây giống, hỗ trợ bò sinh kế, hỗ trợ nhà ở, dự kiến số hộ người có công trong diện nghèo sẽ giảm mạnh trong năm 2019.
Có 8 hộ nghèo là hộ người có công, huyện Tuy Phước đặt mục tiêu xóa nghèo hộ người có công hoàn toàn trong năm 2019. Thông tin từ các xã còn hộ nghèo là người có công, địa phương dựa vào yếu tố dẫn đến nghèo của các gia đình mà đưa ra giải pháp phù hợp. Dù thoát nghèo nhưng các hộ này vẫn là hộ người có công có hoàn cảnh khó khăn, vẫn tiếp tục được địa phương quan tâm, cam kết dành sự hỗ trợ khi có các chương trình tặng quà, hỗ trợ.
Đối với các huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao, Kế hoạch 85 của UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kiên quyết hơn đối với giảm nghèo cho hộ người có công. Đơn cử như huyện An Lão, dự kiến sẽ giảm được trên 50 hộ trong tổng số 151 hộ vào cuối năm 2019. Theo ông Từ Xuân Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, kết quả xuất phát từ sự chặt chẽ, quyết liệt trong công tác rà soát, điều tra hộ nghèo của cơ sở.
“Thực tế, các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước dành cho hộ nghèo đôi lúc là trở lực cho công tác giảm nghèo. Một bộ phận người có công còn so bì về chính sách với người nghèo, không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách. Năm nay, huyện quán triệt các xã phải kiên quyết hơn trong rà soát hộ nghèo, qua đó góp phần xóa bỏ tư tưởng ỷ lại của một bộ phận dân cư”, ông Mười trao đổi thêm.
Dù hầu hết đều đảm bảo tỷ lệ giảm tối thiểu 30% hộ người có công thuộc hộ nghèo đa chiều so với cuối năm 2018, song các địa phương bày tỏ sự lo lắng đối với các hộ còn tồn lại đến năm 2020. Theo nhiều địa phương, các hộ nghèo còn tồn lại đến năm 2020 đều là hộ neo đơn, mất sức lao động, đau ốm thường xuyên.
Ông Lê Văn Dự, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Ân phân tích: “Ở huyện Hoài Ân, có khoảng 5 đến 6 hộ người có công nghèo có thành viên già yếu, không còn sức lao động, có một đến hai người con là người tâm thần đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Nỗi lo lớn nhất của họ khi thoát khỏi diện nghèo là toàn bộ chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng người thân tâm thần tại Trung tâm sẽ do gia đình chi trả. Địa phương đang tìm kiếm giải pháp cho các trường hợp này, sao cho phù hợp và nhân văn nhất”.
“Bài toán” giảm nghèo cho hộ người có công nói riêng và hộ nghèo nói chung vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự năng động, quyết tâm của các địa phương, sự chung tay của các đơn vị, tổ chức, cộng đồng.
NGUYỄN MUỘI