Trịnh Công Sơn với Quy Nhơn
Năm 1958, Trịnh Công Sơn đậu Tú tài tại Collège Francais de Tourane (Trường Plaise Pascal, Ðà Nẵng); năm 1962, ông thi đỗ vào Trường Sư phạm Quy Nhơn. Phố biển Quy Nhơn, nơi có nhiều gắn bó mật thiết với ông trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, nhiều ca khúc nổi tiếng của ông đã được viết tại đây, trong đó có ca khúc “Biển nhớ”.
Phố biển Quy Nhơn đã có một thời gắn bó mật thiết với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì bắt buộc phải trốn lính nên ông dự thi và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại Trường Sư phạm Quy Nhơn năm 1962 (nay là Trường ĐH Quy Nhơn). Năm 1964, sau khi tốt nghiệp ông cùng với bạn giáo sinh văn nghệ ở trường là Lê Thị Ngọc Trinh được phân về dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ở đây, Ngọc Trinh tiếp tục hát những bài mới của Trịnh Công Sơn sáng tác ở cao nguyên.
Trịnh Công Sơn người gốc làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Ông sinh ngày 28.2.1939 tại Ðắk Lắk, mất ngày 1.4.2001.
Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc đại chúng, tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác trên 600 tác phẩm, phần lớn là tình ca. Nhiều ca khúc của ông có thông điệp phản chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi khoảng 236 ca khúc (cả lời và nhạc).
Dọc dài đất nước Việt Nam, nhiều tỉnh thành có biển, thế nhưng nếu nhắc đến hai từ Biển nhớ, người ta liên tưởng ngay đến phố biển Quy Nhơn. Có thể nói, Trịnh Công Sơn được “đất lành” phố biển Quy Nhơn nuôi dưỡng tài năng âm nhạc buổi ban đầu. Cùng khóa với Trịnh có khá nhiều giáo sinh đam mê âm nhạc như: Hồ Quang Hải (nhạc sĩ Thanh Hải, guitar), Trương Văn Thanh (violon), Lê Thị Ngọc Trinh, La Quang Thanh, Phan Thị Thăng, Bích Khê, Bạch Tuyết, Bạch Vân, Nguyễn Văn Duệ (ca sĩ trình diễn)... Ở phố biển Quy Nhơn ngày ấy nhiều người biết tiếng ban nhạc không chuyên Thanh - Sơn - Hải, tuy chủ yếu hoạt động văn nghệ trong Trường Sư phạm Quy Nhơn nhưng lại được nhiều người bên ngoài biết tiếng.
Thời gian học Sư phạm Quy Nhơn (1962 - 1964) là giai đoạn Trịnh Công Sơn sáng tác rất khỏe. Viết xong bài nào anh đưa cho các bạn trong Ban Văn nghệ của trường xướng âm hát ngay bài đó. Bởi thế, nhiều ca khúc ông viết khi ấy tuy không thấy xuất bản nhưng bạn bè thuộc nhiều và xác nhận đó là tác phẩm của ông.
Với mong muốn tạo được ấn tượng mạnh, bản sắc riêng, Ban Văn nghệ Trường Sư phạm Quy Nhơn đề nghị Trịnh Công Sơn sáng tác một trường ca để trình diễn trong Đại nhạc hội lần thứ nhất. Trịnh Công Sơn thể hiện tư tưởng dã tràng xe cát vào trường ca mang tên Tiếng hát dã tràng, đây là trường ca đầu tiên của Trịnh Công Sơn, ghi nhiều dấu ấn ảnh hưởng đến cả cuộc đời sáng tác của anh sau này. Theo nhạc sĩ Văn Bình: “Trường ca Tiếng hát dã tràng là kho lưu trữ những ưu tư mà ta thường bắt gặp lại trong nhiều ca khúc của Trịnh Công Sơn sau này ví như: Lời buồn thánh, Đóa hoa vô thường”. Bài này được Ban hợp ca của Trường Sư phạm Quy Nhơn dàn dựng trình diễn rất thành công trong Đại nhạc hội lần thứ nhất năm 1962. Trong thời gian học và hoạt động nghệ thuật ở đây, ông sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng, như: Hoa buồn, Chiều Chủ nhật buồn, Vết lăn trầm, Nắng thủy tinh, Cát bụi,… trong đó, đặc biệt nhất là ca khúc Biển nhớ để lại dấu ấn đậm nét về phố biển Quy Nhơn, về Bình Định.
Tượng Trịnh Công Sơn của Lâm Quang Nới dự kiến sẽ đặt trong công viên ven biển Quy Nhơn.
Ca khúc Biển nhớ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa phố biển Quy Nhơn đến gần hơn với mọi người trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa có thời gian sống, học tập và hoạt động nghệ thuật tại Quy Nhơn, đồng thời tạo điểm nhấn cho thành phố biển, cuối năm 2018, HĐND tỉnh Bình Định có nghị quyết thống nhất lấy tên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt cho con đường mới mở hướng ra biển, gần Trường ĐH Quy Nhơn. Dự án xây dựng tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có chủ đề: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với tác phẩm Biển nhớ bên bờ biển Quy Nhơn cũng đã được triển khai. Hiện nay, phác thảo tượng nghệ thuật nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng đất sét với tỷ lệ 1.1 (tác giả Lâm Quang Nới) đã cơ bản hoàn thiện với hình tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở độ tuổi trung niên, ngồi đánh đàn guitar, bên cạnh là tổng phổ bài hát Biển nhớ có khắc nhạc và lời. Địa điểm đặt tượng là khu công viên giữa hai khách sạn Hải Âu và Hoàng Yến (nằm gần Trường ĐH Quy Nhơn).
Được biết, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ngỏ ý, nếu phía tỉnh Bình Định liên lạc, gia đình sẵn sàng cung cấp tài liệu, tư liệu, hình ảnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để giúp cho việc tạc tượng cố nhạc sĩ được tốt nhất. Theo đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họ vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh, tư liệu về Trịnh Công Sơn thời gian học tập và hoạt động nghệ thuật ở Trường Sư phạm Quy Nhơn.
LÊ VÂN