Giao mùa, cẩn trọng với bệnh dịch
Thời tiết giao mùa hiện nay là điều kiện lý tưởng cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển, bùng phát nhiều bệnh nguy hiểm và dễ lây lan.
Đừng chủ quan!
Tại các cơ sở y tế, số trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm đường hô hấp trên... tăng 20 - 30% so với bình thường. Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi (BVĐK tỉnh) khuyến cáo, tháng 10 trở đi là giai đoạn đỉnh điểm của bệnh hô hấp, trẻ ho, sốt vào viện rất nhiều. Có trẻ vừa điều trị viêm phổi một tuần, đang chuẩn bị xuất viện lại bị viêm tiểu phế quản phổi. Đến chiều 25.10, có đến 184 bệnh nhi đang nằm tại khoa Nhi, nhiều trẻ phải nằm ghép vì hết giường; lượt khám tăng 150 - 200 bệnh nhi/ngày.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết nặng tại phòng cấp cứu khoa Nhi (BVĐK tỉnh).
Trong khi đó, nếu trước đây mỗi tháng chỉ vài ca bệnh sốt xuất huyết Dengue nặng nhập viện thì chỉ riêng tuần cuối tháng 10 này đã có 15 ca bệnh nặng cấp cứu tại khoa Nhi. Khuya 23.10, bệnh nhi Hồ Trung Trực (xã Phước An, Tuy Phước) được TTYT huyện Tuy Phước chuyển viện cấp cứu tại BVĐK tỉnh trong tình trạng sốc nặng, huyết áp tụt kẹp, mạch quay không bắt được. Bệnh nhi phải thở ô xy và truyền dịch liều cao, đến chiều 25.10 thì có tiến triển tốt. Chị Hồ Bình Nghi, người nhà của bé cho biết, Trực đã sốt 3 ngày trước đó, do gia đình chỉ nghĩ cảm sốt thông thường, mua thuốc uống, rồi truyền dịch nên bệnh ngày càng nặng.
Thời tiết giao mùa, mưa - nắng thất thường hiện là cao điểm của sốt xuất huyết, đặc biệt số ca sốt xuất huyết Dengue nặng (từ độ 3 trở lên) có xu hướng tăng, với tình trạng trẻ sốc, trụy mạch: Mạch quay nhanh, nhẹ; huyết áp tụt, hoặc kẹp. Nếu những tháng trước, BVĐK tỉnh chủ yếu tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết nặng từ các tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên thì riêng tuần vừa rồi đã có 15 ca chuyển viện từ các địa phương trong tỉnh. “Có thời điểm cùng lúc chúng tôi phải cấp cứu 3 ca sốt xuất huyết sốc nặng. Theo quy trình, từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 là giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết; tuy nhiên không nên chủ quan, chỉ cần trẻ sốt liên tục 2 ngày, uống thuốc không thuyên giảm thì phải nghĩ ngay đến bệnh, đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh sốc nặng nguy hiểm”, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho hay.
Giữ vệ sinh, tăng sức đề kháng
Thời tiết đang có những thay đổi thất thường, ẩm, lạnh… là điều kiện rất thuận lợi cho các chủng vi rút gây bệnh cúm phát triển. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và sớm hồi phục nhưng cũng có nhiều trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn, dễ gây biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội Trung cao (BVĐK tỉnh) lưu ý, bệnh cúm hay bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh thường nghiêm trọng hơn. Đối tượng dễ bị biến chứng do bệnh cúm là trẻ dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh; người trên 65 tuổi; phụ nữ có thai; những người mắc các bệnh mạn tính…
Không chỉ có các bệnh do vi khuẩn, vi rút gây ra, thời điểm giao mùa và chuyển lạnh sắp tới rất dễ dẫn đến đột quỵ. Theo các bác sĩ, đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhưng trời trở lạnh bệnh có xu hướng gia tăng, không chỉ người già mà ngay người trẻ, nhất là những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường. Riêng tại BVĐK tỉnh, trung bình mỗi tháng có khoảng 20 - 30% bệnh nhân nhập viện điều trị do đột quỵ.
Để phòng chống dịch bệnh vào thời điểm giao mùa, bác sĩ Trần Văn Trung nhấn mạnh, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động phòng ngừa... Bên cạnh đó, cần thực hiện những hướng dẫn phòng bệnh mà ngành Y tế đưa ra. Đặc biệt, cần bảo đảm giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, dùng riêng vật dụng cá nhân. Khi nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, không tự chữa bệnh tại nhà để tránh biến chứng. Người bệnh phải được cách ly, tránh để bệnh lây lan ra cộng đồng.
MAI HOÀNG