Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn: Tạo sức bật mới cho các vùng quê
Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã thay đổi rõ rệt, kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư đồng bộ theo hướng hiện đại. Ðặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, tạo “đòn bẩy” làm đổi thay những vùng quê nghèo.
Theo Sở GTVT, khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), UBND tỉnh xác định việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Tỉnh đã ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn ngân sách tỉnh, cùng với huy động các nguồn lực từ nhân dân với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm; Nhân dân làm Nhà nước hỗ trợ”, nhằm đẩy mạnh thực hiện chương trình bê tông hóa đường GTNT. Cùng với đó, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xi măng giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình này.
Tuyến đường trục chính về xã Phước Hưng (Tuy Phước) được thảm nhựa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phát triển KT-XH tại địa phương.
Nhờ vậy, hiện toàn tỉnh đã đúc bê tông được 5.813 km/8.050 km tổng chiều dài đường GTNT (đạt 72%). Riêng về thực hiện tiêu chí giao thông trong XDNTM, toàn tỉnh đã có 93/122 xã hoàn thành (đạt 76%). Hiện, 100% số xã ở khu vực nông thôn đã có đường bê tông đến trung tâm xã.
Ông Đỗ Nguyên Đức, Phó Giám đốc Sở GTVT, đánh giá: “Chương trình bê tông hóa đường GTNT đã thực sự tạo sức bật mới cho khu vực nông thôn, khẳng định giao thông đóng vai trò đi trước mở đường. Qua 10 năm thực hiện chương trình XDNTM, kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể, cơ bản chấm dứt tình trạng ách tắc giao thông. Việc vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, giao thương, đi lại của nhân dân được thuận lợi hơn, góp phần thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn”.
Quả vậy, trong 18 tiêu chí về XDNTM, có lẽ tiêu chí về giao thông được các xã thực hiện nhanh và được nhân dân ủng hộ mạnh mẽ nhất. Ông Phạm Quang Ân, Phó Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, khẳng định: “Từ khi tỉnh có chủ trương hỗ trợ làm đường GTNT thì phong trào này lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng, thu hút người dân nông thôn tích cực hưởng ứng. Đến nay, toàn huyện đã có trên 800 km đường giao thông được thảm bê tông nhựa và đúc bê tông xi măng. Trong đó, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã với chiều dài gần 146 km đã được đúc bê tông xi măng. Hiện 11/11 xã của huyện đã đạt tiêu chí số 2 về giao thông”.
“Từ những hiệu quả thiết thực của Chương trình bê tông hóa đường GTNT, trong thời gian tới, Văn phòng Ðiều phối XDNTM (Sở NN&PTNT) tham mưu với lãnh đạo tỉnh tiếp tục chương trình hỗ trợ xi măng và kinh phí cho các địa phương phát triển đường GTNT. Với mục tiêu cụ thể là đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 100% đường trục xã và đường từ trung tâm huyện đến xã, trung tâm cụm xã được thảm bê tông nhựa hoặc đúc bê tông xi măng; trên 70% đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được đúc bê tông hoặc cứng hóa”.
Ông Phan Thành Giản, Phó Chánh Văn phòng Điều phối XDNTM
Khẳng định vai trò của giao thông trong XDNTM, ông Dương Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Phước Hưng, chia sẻ: Nhờ GTNT phát triển đã tác động trực tiếp tới phát triển KT-XH của xã theo hướng nhanh và bền vững. Xã đã chủ động liên kết với các DN tổ chức sản xuất lúa giống theo chuỗi trên cánh đồng lớn, với diện tích 400 ha/năm; mang lại lợi nhuận cho nông dân hơn 3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, nhờ giao thông phát triển, nông dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích trồng mai cảnh, hoa cúc ở các thôn: Quảng Nghiệp, Biểu Chánh, An Cửu; mỗi năm mang lại thu nhập gần 10 tỷ đồng. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn xã đạt gần 42 triệu đồng/người/năm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Chương, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TX An Nhơn, cho hay: “Địa phương xác định, trong phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Trong nhiều năm qua, TX An Nhơn luôn đi đầu trong toàn tỉnh về làm đường GTNT. Riêng giai đoạn 2011 - 2019, toàn thị xã đã có thêm 389 km đường giao thông nội thị và nông thôn được thảm bê tông nhựa, bê tông xi măng; 100% số xã đạt tiêu chí giao thông”.
N. HÂN