Chúng em Kể chuyện lịch sử
Cuộc thi Kể chuyện do Bảo tàng tỉnh, Phòng GD&ÐT TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức nhằm giúp học sinh các trường thêm động lực để học tập, tìm hiểu lịch sử quê hương, đất nước. Tại cuộc thi, những câu chuyện lịch sử được học sinh kể và tái hiện sinh động qua hình thức sân khấu hóa, giúp cho học sinh nhớ sự kiện, câu chuyện dễ dàng hơn.
Câu chuyện kể về Hai Bà Trưng của Trường THCS Quang Trung xuất sắc đạt giải nhất khối THCS.
Tham gia cuộc thi có 42 trường thuộc Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn, trong đó có 22 trường khối tiểu học (bảng A) và 20 trường khối THCS (bảng B). Ngoài phần thi Chào hỏi, Kể câu chuyện lịch sử bằng hình thức sân khấu hóa, thí sinh dự thi còn phải trả lời câu hỏi phụ của Ban giám khảo nhằm kiểm tra hiểu biết về nội dung câu chuyện.
Tại cuộc thi, những trận đánh lịch sử, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng được các em kể rõ ràng, có sự đầu tư về trang phục, đạo cụ. Tại sân khấu của cuộc thi, Bác Hồ kính yêu cùng những nhân vật như Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Võ Thị Sáu, Ngô Mây... hiển thị sinh động, hấp dẫn, dễ hình dung, dễ ghi nhớ không chỉ thu hút sự chú ý của khán giả mà còn khiến chính nhiều giám khảo bất ngờ.
Nếu những năm trước, học sinh khối tiểu học chỉ được tham gia tiết học lịch sử, tham quan, nghe giới thiệu và vẽ tranh về các di tích tại Bảo tàng thì năm nay các em trực tiếp kể lại câu chuyện của mình. Em Trần Khải Nguyên (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Kim Đồng), kể: “Từ năm lớp 2, em đã rất thích câu chuyện này. Chính vì thế, 1 tháng trước khi đi thi, em tập nói được giọng Nghệ An để có thể tăng mức độ chân thật của câu chuyện. Tham khảo nhiều video em thấy, giọng Bác Hồ thường trầm xuống gần gũi, còn các giọng khác thì vang cao lên reo vui!”.
Với câu chuyện Bác Hồ đến thăm người nghèo, em Đoàn Anh Thư (8 tuổi, Trường Tiểu học Âu Cơ) đã thật sự nhập vai vào câu chuyện, không chỉ với vai trò là người dẫn chuyện, em còn đóng vai chị Chín, các con chị Chín và anh lính đi cùng Bác. Mỗi nhân vật là một giọng điệu, âm vực khác nhau. Đồng thời không chỉ kể câu chuyện về Bác, em còn gửi đến mọi người thông điệp về tình yêu thương. “Qua câu chuyện em rút ra bài học là phải biết yêu thương những người xung quanh mình, biết quan tâm người khó khăn, không được cậy thế ỷ quyền ức hiếp người khác” - em Anh Thư, chia sẻ.
Lịch sử không còn là những con số, những sự kiện, lịch sử quê hương, đất nước trên sân khấu cuộc thi trở nên gần gũi, dễ nhớ hơn đối với các em, hầu như khán giả nhỏ tuổi nào cũng trả lời tôi như thế. Cô Trần Thị Hà Phương, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, cho hay: “Đối với học sinh tiểu học, những hoạt động tìm hiểu lịch sử như thế này không chỉ giúp các bé củng cố kiến thức mà còn giúp các bé tự tin hơn khi đứng trước đám đông. Tôi nghĩ đây là hoạt động rất ý nghĩa, giúp các em bồi đắp thêm tình yêu với môn lịch sử”.
“Qua cuộc thi cho thấy các em rất thông minh, các em biết tìm hiểu, trình bày, biểu diễn, ứng xử... làm sao để truyền đạt nội dung câu chuyện thật gần gũi, chân thực nhất” - ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh, cho biết.
Đây là hoạt động do Bảo tàng tỉnh, Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tổ chức đã nhiều năm nay, vì vậy ở cuộc thi lần này, các trường rút kinh nghiệm từ những năm trước, chuẩn bị rất chu đáo, học sinh tham gia và cổ vũ rất đông. Trong suốt 2 ngày, các trường đã mang đến những câu chuyện kể mang ý nghĩa lịch sử và tính giáo dục rất cao. Qua phần thi trả lời các câu hỏi phụ có thể thấy rõ, nhà trường và chính các em có ý thức tìm hiểu, chuẩn bị rất tốt. Sự đầu tư này cho thấy sự quan tâm của nhà trường đối với việc dạy và học môn lịch sử nhiều hơn mọi năm - ông Nguyễn Thanh Quang, nguyên Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT), thành viên Ban giám khảo, nhận xét.
THẢO KHUY