Cuộc khủng hoảng tuyệt chủng các loài sinh vật bản địa Australia
Ngày 28.10, hơn 240 nhà khoa học hàng đầu Australia đã gửi một bức thư ngỏ tới Thủ tướng Scott Morrison. Theo báo Guardian, trong thư, các nhà khoa học cảnh báo nhiều loài sinh vật bản địa Australia đã biến mất với “tốc độ đáng báo động”.
Một trong những loài thú có túi đang bị đe dọa tuyệt chủng ở Australia
Trong số này, có 3 loài bị tuyệt chủng vào thập niên trước và 17 loài khác đang có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 20 năm tới. Đã có hơn 1.800 loài động thực vật Australia được chính thức liệt vào danh sách bị đe dọa tuyệt chủng, nhưng các nhà khoa học cho rằng đây là một sự đánh giá thấp.
Bức thư nêu rõ cuộc khủng hoảng tuyệt chủng các loài bản địa là kết quả tất yếu của việc môi trường sống bị hủy hoại, xuất hiện các loài xâm lấn, nạn cháy rừng, bệnh tật và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, luật hiện hành của Australia không được sửa đổi, cập nhật liên tục và không hiệu quả trong việc giám sát các nguy cơ nói trên. EPBC được ban hành từ năm 1999, nhưng mới chỉ được sửa đổi, bổ sung một lần duy nhất trong một thập niên vừa qua. Các nhà khoa học cho rằng việc luật không được cập nhật đã góp phần phá hủy 7,7 triệu ha môi trường sống của các loài bị đe dọa.
Chính phủ Australia đang đầu tư đáng kể vào các chương trình phục hồi môi trường và chăm sóc đất để thúc đẩy đa dạng sinh học và tăng cường nơi trú ẩn an toàn cho các loài sinh vật bản địa. Những khu vực bảo vệ môi trường bản địa đã được mở rộng thêm 27% lên mức 100 triệu ha, nhằm thiết lập các khu bảo tồn ở lãnh thổ phía Bắc và các bang Queensland và Nam Australia. Trước đó, Thượng viện Australia đã triển khai chương trình “Khủng hoảng động vật tuyệt chủng của Australia” nhằm tìm hiểu và nghiên cứu sự suy giảm liên tục của gần 500 loài đang bị đe dọa và sự ảnh hưởng của EPBC với những vấn đề này, từ đó làm căn cứ cho các đánh giá sắp tới, khi chính phủ đệ trình các báo cáo về EPBC.
Theo KHÁNH HƯNG (SGGP)