Khẩn cấp, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão lũ
(BĐ) - Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có thể mạnh lên thành bão, do Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh tổ chức chiều ngày 29.10.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó với bão lũ.
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 30.10, vị trí tâm bão ở khoảng 12,6 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ kinh Đông, cách các tỉnh Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 300 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Từ ngày 30 - 31.10, khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to, tổng lượng mưa 400-600 mm/đợt. Từ ngày 30.10 trở đi, các sông trong tỉnh khả năng xuất hiện đợt lũ, mực nước đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động II đến báo động III, có nơi trên mức báo động III. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu ở hạ lưu các sông là rất cao. Từ ngày 4 - 5.11, mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại.
Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND Trần Châu về phương án ứng phó với bão lũ, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho hay: Toàn tỉnh có 237 tàu/1.896 lao động đang nằm trong vùng nguy hiểm. Ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan và gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn thuyền trưởng di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm; chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Bình Định bố trí, sắp xếp tàu thuyền neo đậu tại các cảng cá, bến cá, không để ngư dân ở lại trên tàu. Sở NN&PTNT cũng đã kiểm tra và triển khai phương án phòng chống lụt bão (PCLB) cho các công trình thủy lợi lớn, các đập, tràn trên sông. Tuy vậy, hiện còn 500 ha lúa vụ Mùa, 212 ha nuôi tôm trên cát, 2.784 lồng bè nuôi cá ở cửa biển Quy Nhơn và hồ Định Bình, chưa thu hoạch. Nhiều hồ chứa nước nhỏ thuộc diện xung yếu và không ít công trình xây dựng còn dở dang chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ lớn. Hàng chục ngàn hộ dân sinh sống ở vùng trũng thấp, vùng thường bị triều cường, sạt lở chưa đảm bảo an toàn khi xảy ra bão lũ.
Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ Quy Nhơn, cho biết: Đơn vị đã thông báo và hướng dẫn các chủ tàu vận tải đang neo đậu ở khu vực Cảng Quy Nhơn và tại phao số 0 triển khai phương án ứng phó với bão. Hiện tại Quy Nhơn có một chiếc tàu SAR mới được điều động để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.
Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, CA tỉnh, UBND TP Quy Nhơn và UBND huyện Tuy Phước… cho biết đã và đang triển khai phương án PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ.
Nhận định bão lũ sẽ diễn biến phức tạp, hậu quả khó lường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các cấp phải chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão lũ. Đi vào cụ thể, lãnh đạo tỉnh yêu cầu Đài Khí tượng thủy văn tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thông báo cho các sở, ngành, địa phương biết để chủ động chỉ đạo thực hiện các phương án ứng phó. Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị có liên quan cấm biển, không cho tàu thuyền của ngư dân ra khơi; kết nối liên lạc, hướng dẫn tàu thuyền trên biển di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm và kiểm soát tàu thuyền neo đậu tại các cảng cá, bến cá, không để ngư dân ở lại trên tàu khi xảy ra bão lũ. Mặt khác, kiểm tra rà soát phương án phòng chống lụt bão các công trình thủy lợi lớn; tích trữ, điều tiết nước theo đúng quy trình đã được phê duyệt. Lực lượng quân đội, CA hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, neo buộc tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản. Các địa phương nhanh chóng triển khai phương án PCTT&TKCN theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn cho người dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó với thiên tai, bão lũ không để người dân chủ quan, xảy ra sự cố đáng tiếc. Hướng dẫn người dân bảo quản lúa giống, không để ngập nước hư hỏng, mất giống. Sở GD&ĐT giao cho hiệu trưởng các trường học quyết định cho học sinh nghỉ học khi không đảm bảo an toàn.
TIẾN SỸ