Bệnh viện “gọt chân cho vừa giày”
Dù dự toán chi khám chữa bệnh BHYT chưa vượt quá mức như ở một số địa phương khác trong nước, nhưng để bảo toàn quỹ, hiện các cơ sở y tế trong tỉnh đang ráo riết siết chi bằng cách rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế nhập viện, tính toán chi tiết, thận trọng khi cấp thuốc cho bệnh nhân…
Cơ sở KCB càng triển khai nhiều phẫu thuật, kỹ thuật cao càng có nguy cơ vượt dự toán.
- Trong ảnh: Một ca phẫu thuật điều trị ung thư tại BVĐK tỉnh.
Năm 2019, lần đầu tiên cơ sở khám chữa bệnh (KCB) được giao dự toán chi KCB BHYT cả năm. Không còn bị động về quỹ BHYT do không còn áp dụng quỹ BHYT đa tuyến đi và đa tuyến đến, nhưng bất cập lại nảy sinh do cơ sở KCB phải đối phó với nguy cơ vượt dự toán. Năm 2019, Bình Định được giao dự toán chi KCB BHYT hơn 1.259 tỷ đồng; nhưng chỉ trong 9 tháng đã sử dụng hơn 986,9 tỷ đồng (112%).
“Tiết kiệm” thuốc, dịch vụ, giảm ngày nằm viện
Đó như một “công thức chung” được các cơ sở KCB thực hiện để bảo toàn dự toán được giao, nhất là từ nay đến cuối năm, theo quy luật số lượt KCB bao giờ cũng tăng cao hơn nhiều so với đầu năm.
“Người điều trị lâu nay chỉ nghĩ đến việc làm sao để bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, nay còn phải đo đếm luôn cả chi phí sao khỏi vượt khung, thật quá khó cho thầy thuốc”.
Trong hơn 105,7 tỷ đồng vượt dự toán toàn tỉnh, BVĐK tỉnh chiếm 56,4 tỷ đồng (tỷ lệ 117%). Theo ông Ngô Xuân Thế, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BVĐK tỉnh, dự toán năm 2019 được giao 458,7 tỷ đồng, giảm gần 50 tỷ đồng (10%) so với thực chi năm trước. Quý I giao dự toán hơn 93,9 tỷ đồng, bệnh viện sử dụng 122 tỷ đồng (129,8%); quý II giao dự toán 115,7 tỷ đồng, sử dụng 132,1 tỷ đồng (114,1%); quý III giao dự toán 123,5 tỷ đồng, sử dụng 135,3 tỷ đồng (109,64%).
Bệnh tật và rủi ro thì không thể đoán trước được, nhưng để tránh vượt dự toán quá nhiều, BVĐK tỉnh tiết kiệm chi BHYT bằng cách giám sát chặt tỷ lệ nhập viện; giảm ngày điều trị; chỉ định thuốc, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ cận lâm sàng một cách hợp lý… Nhưng có siết kiểu gì cũng không thể đảm bảo khi dự toán giao thấp, bệnh viện không được làm dịch vụ, còn bị BHYT nợ 40 tỷ đồng và “treo” thanh toán vài chục tỷ đồng dịch vụ gây mê - gây tê. Chỉ còn 60 tỷ đồng chi từ nay đến cuối năm, một lãnh đạo bệnh viện chia sẻ, sắp tới thuốc kháng sinh phổ rộng loại đắt tiền, hay kháng sinh thế hệ mới đều được đưa vào diện “quản lý đặc biệt” trong chỉ định, bác sĩ phải giải trình hợp lý mới được sử dụng; áp dụng tương tự với cận lâm sàng đắt tiền như CT-Scanner, MRI…
Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tăng cường dịch vụ vật lý trị liệu, phục hồi chức năng nâng chất lượng, rút ngắn ngày điều trị.
Với Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng, đến nay mức sử dụng quỹ đã lên tới 111,1% và tiếp tục bị xoáy vào tỷ lệ nhập viện, ngày điều trị nội trú cao hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, tỷ lệ nhập viện cơ sở 1 của bệnh viện là 73,04%, cơ sở 2 là 93,3%, ngày điều trị nội trú cơ sở 1 là 17,3 ngày, cơ sở 2 là 15,28 ngày. Giám đốc bệnh viện Lê Phước Nin bày tỏ, hơn 70% bệnh nhân nội trú cơ sở 1 và 90% ở bệnh nhân cơ sở 2 là chuyển tuyến từ dưới lên; mô hình bệnh tật có sự thay đổi đáng kể khi 43% bệnh nhân bị liệt, thời gian điều trị rất dài ngày. “Bệnh viện đã rà soát ngày điều trị, chỉ định điều trị, vận động bác sĩ làm việc cả ngày nghỉ, triển khai một số kỹ thuật trong vật lý trị liệu… để nâng chất lượng, rút ngắn ngày điều trị mà không đội chi phí. Tới nay, ngày điều trị xuống còn 16,9 ngày, rất cố gắng nhưng quá khó!”, ông Nin tâm tư.
Mâu thuẫn quỹ BHYT và quyền lợi người tham gia
Áp lực phải giữ quỹ KCB BHYT ngày càng căng, bởi để vượt dự toán phải giải trình rất khó khăn. Vì thế, lãnh đạo đơn vị điều trị nào cũng phải hết sức chi li để giữ đơn vị mình trong ngưỡng an toàn nhất có thể.
Đi vay để hoạt động
Thời điểm này, BVÐK tư nhân Hòa Bình đã… hết sạch quỹ KCB BHYT năm 2019. Giám đốc Bệnh viện Trần Thị Thu cho biết, đơn vị được giao dự toán 21,5 tỷ đồng (91% số thực hiện năm 2018). Nhưng đến tháng 5.2019, Bệnh viện được Bộ Y tế chấp nhận tăng từ 60 lên 90 giường bệnh, cùng với đó, khoản nợ BHYT năm trước vẫn chưa được chi trả, thành ra Bệnh viện phải đi vay mới có tiền để hoạt động.
Năm 2019, TTYT TP Quy Nhơn được giao dự toán giảm 9,1% so với số thực chi KCB BHYT năm 2018, trong khi lượt bệnh nhân KCB lại không giảm (ngoại trú từ 600 - 800 lượt/ngày, nội trú khoảng 400 lượt/ngày). Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu cho hay, hàng tháng lãnh đạo trung tâm đều phải “canh” để điều tiết quỹ, “đến mức lãnh đạo nắm rõ luôn những bác sĩ nào điều trị bao nhiêu tiền, bao nhiêu ngày cho ca bệnh, chỉ định điều trị phù hợp hay không”.
Không ít ý kiến lo ngại, cơ sở KCB muốn đảm bảo dự toán sẽ phải giảm điều trị bệnh nhân nặng, chi phí lớn bằng cách chuyển lên tuyến trên; cắt giảm bớt quyền lợi hợp pháp và cần thiết của bệnh nhân. Đem câu hỏi này đặt ra với nhiều lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ điều trị, tất cả đều không xác nhận mà chỉ đáp lấp lửng, đã “thắt lưng buộc bụng” thì ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến bệnh nhân. Người điều trị lâu nay chỉ nghĩ đến việc làm sao để bệnh nhân khỏe mạnh trở lại, nay còn phải đo đếm luôn cả chi phí sao khỏi vượt khung, thật quá khó cho thầy thuốc.
9 tháng đầu năm 2019, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa vượt quỹ 7 tỷ đồng. Giám đốc Bệnh viện Vũ Tuấn Anh khẳng định, càng triển khai nhiều dịch vụ phẫu thuật, kỹ thuật cao, vượt quỹ càng lớn. Giá dịch vụ KCB tăng theo các thông tư quy định về giá dịch vụ y tế, nhưng dự toán giao BHYT lại không tăng. “Tôi nghĩ, phải xem lại giao dự toán quỹ BHYT, việc kiểm soát quỹ phải là kiểm soát chuyên môn, không thể dùng mệnh lệnh hành chính để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi bệnh nhân”, ông Vũ Tuấn Anh nói.
Về những vấn đề nêu trên, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho hay, Sở đã chỉ đạo các cơ sở KCB BHYT phải điều phối và quản lý dự toán chi. Đồng thời thực hiện các giải pháp, như: Kê đơn hợp lý và tuân thủ nguyên tắc kê đơn theo quy định; chỉ định nhập viện đúng phác đồ; thời gian nằm viện, chỉ định thuốc và kỹ thuật chẩn đoán, kỹ thuật điều trị có chi phí lớn phù hợp… Dù vậy, cũng chính ông Hùng xác nhận: Quy định về BHYT hiện bất cập, giao dự toán 2019 thấp hơn chi phí thực tế năm trước là chưa phù hợp tình hình KCB thực tế tại địa phương. Trong khi các cơ sở KCB càng triển khai dịch vụ kỹ thuật cao, đắt tiền thì càng có nguy cơ vượt dự toán. Đặc biệt là sự mâu thuẫn giữa khả năng cân đối quỹ KCB BHYT và quyền lợi của người tham gia BHYT, giữa khả năng cân đối của quỹ BHYT với giá dịch vụ y tế.
Pháp luật về BHYT còn nhiều bất cập
“Hiện hệ thống văn bản pháp luật về BHYT chưa hoàn thiện, nhiều bất cập. Với những gì đang diễn ra, mục tiêu đảm bảo vượt chi dưới 9,5% (đến hết năm 2019) gần như không khả thi. BHXH tỉnh sẽ phối hợp Sở Y tế giám sát hàng tháng về KCB BHYT, khắc phục tình trạng bội chi, vượt dự toán; tăng cường kiểm tra phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHYT. BHXH tỉnh sẽ tăng cường giám định, kiểm soát chặt chi phí KCB BHYT các cơ sở KCB, đặc biệt cơ sở vượt dự toán cao”.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hà Thúc Chí
MAI HOÀNG