Hợp nhất các văn phòng giúp việc: Tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Ngày 29.10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu thảo luận ở tổ về một số dự án luật có tầm ảnh hưởng rộng rãi. Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lê Kim Toàn chủ trì thảo luận tại tổ 13 (gồm các tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Trà Vinh).
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn (đứng) chủ trì phiên thảo luận tổ ngày 29.10.
Xung quanh Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (QH), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đối với việc hợp nhất 3 văn phòng: ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.
Cần đảm bảo tính hợp hiến khi xây dựng pháp luật
Về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HÐND tại các phường thuộc quận, thị xã của TP Hà Nội, ÐB Lê Kim Toàn băn khoăn về tính hợp hiến của Nghị quyết này.
Hiến pháp năm 2013 nêu rõ đơn vị hành chính chia thành 4 cấp; chính quyền địa phương được tổ chức theo đơn vị hành chính gồm HÐND và UBND phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định. Một cấp chính quyền địa phương phải có HÐND và UBND; UBND do HÐND bầu.
“Chủ trương thí điểm thì thống nhất, song tên gọi phải tính toán lại. Không thể nói là không thành lập, mà là giao cho HÐND cấp quận đảm nhận nhiệm vụ của HÐND cấp phường. Còn việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của HÐND quận như thế nào cũng phải xem xét để đảm nhận luôn nhiệm vụ của HÐND cấp phường, tránh bỏ trống quyền lực”, ÐB Toàn nói.
Đại biểu (ĐB) Toàn cho rằng, chỉ nên hợp nhất đối với những bộ phận phục vụ chung, như kế toán, văn thư, lái xe. Còn các bộ phận đặc thù phải xem xét thật kỹ, không thể nhập cơ học. Điển hình, thư ký của Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh có nội dung hoạt động, tính chất phục vụ khác nhau. Đơn thư gửi cho UBND tỉnh để khiếu nại quyết định hành chính hoặc tố cáo hành vi; nhưng gửi cho Đoàn ĐBQH thì tính chất thụ lý, giải quyết khác hoàn toàn, bởi đây là cơ quan dân cử, thực hiện chức năng giám sát, xem xét kiến nghị hoặc giám sát các nội dung đã giải quyết.
“Đã nhập lại thì chánh văn phòng chung không thể là ủy viên UBND tỉnh, cũng không phải ủy viên Thường trực HĐND tỉnh. Khi đã nhập chung thì người này không thể tham gia vào một tổ chức nào; không khéo lại “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chính người tham mưu triển khai lại vừa tham mưu giám sát. Phải tính toán rất kỹ để tránh xung đột”, ĐB Toàn phân tích.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác cần lưu tâm là các quy định về ĐBQH chuyên trách. Theo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH, có những ĐB chuyên trách không phải là trưởng, phó các đoàn ĐBQH. ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, cần có quy định cụ thể về địa vị pháp lý cũng như chế độ, chính sách của các ĐB chuyên trách này.
Về kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH, khi văn phòng Đoàn ĐBQH đứng độc lập, trực thuộc Văn phòng QH thì được Trung ương cấp kinh phí 100%. Nếu thực hiện hợp nhất (dù là với 2 hay 3 loại hình văn phòng) thì vẫn nảy sinh vấn đề phức tạp, khi bộ phận này hưởng chế độ Trung ương, bộ phận kia hưởng chế độ địa phương. Do đó, đề xuất phải có định mức thống nhất chung cho cả nước.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển (Đoàn Lai Châu) nêu hướng mở là phần chi phí phát sinh của Đoàn ĐBQH khi thực hiện nhiệm vụ của địa phương thì giao cho địa phương cân đối; còn các hoạt động của ĐBQH phục vụ nghiệp vụ, hoạt động của QH thì do Trung ương cân đối. Khi ĐBQH địa phương tham gia các hoạt động của Ủy ban Thường vụ QH và các cơ quan trực thuộc triệu tập, cơ quan triệu tập phải đảm bảo kinh phí cho hoạt động do mình tổ chức.
Khu kinh tế ven biển có miễn thị thực: Không nên cứng nhắc
Theo Ðiều 46 của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ có trách nhiệm quyết định khu kinh tế (KKT) ven biển miễn thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng đủ một số điều kiện cụ thể, trong đó phải có sân bay quốc tế; có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, được cách biệt với lãnh thổ bên ngoài.
ÐB Nguyễn Phi Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh - cho rằng, quy định này rất khó thực hiện. Bởi, phần lớn các KKT hiện nay đều nằm trong đất liền. Ðơn cử, KKT Nhơn Hội không tách khỏi đất liền nhưng nằm trên một bán đảo, không có sân bay quốc tế nhưng chỉ cách sân bay Phù Cát 20 km. Bộ GTVT đã đồng ý cho sân bay Phù Cát đón chuyến bay quốc tế dù không phải là sân bay quốc tế. “QH không nên quy định “cứng”, các tiêu chuẩn cụ thể để các KKT có miễn thị thực nên giao cho Chính phủ quyết định”, ÐB Long đề xuất.
NGUYỄN VĂN TRANG