Nâng bước cho học trò miền núi
Vừa qua, Ðoàn Giám sát của Ban Dân tộc, HÐND tỉnh đã có chuyến giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển GD&ÐT tại một số trường ở vùng dân tộc thiểu số. Qua giám sát, Ðoàn ghi nhận những nỗ lực của ngành và địa phương, đồng thời tiếp thu những đề xuất, kiến nghị để trình lên HÐND tỉnh.
Công tác giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số được ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm nhiều mặt, thể hiện ở hạ tầng trường, lớp thời gian qua được đầu tư theo hướng hiện đại và chuẩn hóa, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.
Những tín hiệu vui
Năm học 2016 - 2017, ngân sách tỉnh đã đầu tư xây mới ở vùng dân tộc thiểu số 1 trường với 21 phòng học và kiên cố hóa 1 trường học khác; năm học 2017 - 2018, xây mới 5 trường/25 phòng học và kiên cố hóa 12 trường; năm học 2018 - 2019, xây mới 9 trường/35 phòng học và kiên cố hóa 17 trường.
Đoàn Giám sát thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh.
Ngoài mức đầu tư năm sau cao hơn năm trước về cơ sở vật chất, điều đáng mừng là nhận thức của chính quyền địa phương trong việc vận động người dân đưa trẻ đến trường và nhận thức của người dân trong việc cho con đến trường cũng dần được nâng cao.
Ở xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thạnh, việc vận động trẻ mầm non đúng độ tuổi đến trường giờ không còn quá khó khăn vì từ 10 năm trước, các cô Trường mầm non Vĩnh Thuận đã bắt đầu vận động phụ huynh cho trẻ học bán trú. Cùng với bậc mầm non, chính quyền huyện, xã cũng quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, cho học sinh tiểu học và THCS được học tập trung tại điểm chính. Ông Đinh Văn Sao, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận, cho biết: “Việc cho trẻ đến trường đúng độ tuổi và vận động học sinh học tập trung ở điểm chính, xã đã triển khai hơn 10 năm nay. Để làm gương cho người dân, cán bộ thôn, xã phải gương mẫu đi đầu. Thực hiện đầu tư cho giáo dục tốt thì thế hệ con em mình sẽ tốt hơn, phát triển hơn”.
Tương tự xã Vĩnh Thuận ở Vĩnh Thạnh, xã Vĩnh An của huyện Tây Sơn, các xã vùng cao của huyện An Lão cũng từng bước chú trọng đến giáo dục. Nếu như xã Vĩnh An luôn phối hợp cùng nhà trường ngăn học sinh bỏ học thì huyện An Lão xây dựng tốt lớp bán trú cho bậc mầm non ngay ở các điểm lẻ. Từ đó, số lượng học sinh bỏ học giảm dần, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng dần cải thiện.
Còn nhiều tồn tại
Đặc điểm ở các huyện miền núi là người dân sống rải rác, vì vậy có nhiều điểm trường lẻ, việc dạy học cũng có nhiều hạn chế. Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Vì đặc điểm của địa hình và khu dân cư nên mỗi trường phải có nhiều điểm lẻ cách xa nhau, tại các điểm trường phải tổ chức dạy lớp ghép 2 - 3 chương trình học, ghép vậy mà có lớp cũng chỉ có khoảng 10 em. Đặc biệt, ở xã Canh Liên, huyện Vân Canh, các điểm trường rất xa nhau, mà mỗi trường chỉ có 1 giáo viên Tiếng Anh, nên ở đây Tiếng Anh hiện vẫn chỉ là môn tự chọn. Tới đây, khi chương trình giáo dục phổ thông mới triển khai, Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc, các làng sẽ hết sức khó khăn.
Đối với cấp tiểu học, Vân Canh là huyện miền núi đầu tư mạnh nhất, với 7/8 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, khi chuẩn quốc gia được nâng lên thì số học sinh học 2 buổi/ngày cũng nâng lên, yêu cầu phải xây dựng trường bán trú. “Điều kiện tổ chức bán trú ở đa số các huyện miền núi, trung du rất khó, không chỉ ngành Giáo dục mà cả phụ huynh cũng gặp nhiều trở ngại. Nên hàng năm chúng tôi cũng chỉ đạo các trường nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là bếp ăn bán trú”, bà Phi Yến cho biết thêm.
Một vấn đề mang đến nhiều băn khoăn là chương trình sữa học đường. Bà Lương Thị Xuân Tâm, Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD&ĐT), chia sẻ: Ba huyện miền núi là huyện nghèo nên 100% trẻ em người dân tộc thiểu số được hưởng thụ chương trình miễn phí. Nhưng ở ba huyện: Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát, không phải học sinh người dân tộc thiểu số nào cũng được thụ hưởng miễn phí chương trình này nếu không thuộc diện hộ nghèo. Những trường hợp không được hưởng trọn vẹn chương trình, phần nào đó đã tạo khoảng cách giữa các nhóm học sinh; thậm chí khiến thầy cô, cán bộ quản lý ngành và lãnh đạo huyện lâm vào tình thế khó xử.
Dù có nhiều quan tâm, đầu tư nhưng việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển GD&ĐT tại vùng dân tộc thiểu số vẫn còn một số hạn chế như: Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, công tác xã hội hóa còn nhiều hạn chế, nguồn lực thực hiện chế độ chính sách còn mỏng.
Ông Đinh Yang King - Trưởng Ban Dân tộc, Trưởng đoàn giám sát - cho biết: Chúng tôi sẽ đề nghị tỉnh xây dựng thêm phòng chức năng; kiến nghị Chính phủ quan tâm về công tác cán bộ quản lý, giáo viên là người dân tộc thiểu số ở hệ mầm non, cấp I, vì họ sẽ là người thấu hiểu công tác giáo dục ở miền núi hơn. Đồng thời cần quan tâm thêm đến chương trình sữa học đường, không phân biệt hộ nghèo hay không nghèo.
THẢO KHUY