Nuôi thủy sản nước ngọt ở Vân Canh: Một hướng phát triển mới
Những năm gần đây, người dân ở huyện miền núi Vân Canh đã phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt trong ao, hồ đạt hiệu quả kinh tế tốt. Hướng đi mới đang được chính quyền, các ngành khuyến khích, hỗ trợ.
Nhiều năm trước, ông Nguyễn Văn Thành, ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển đã đào ao với diện tích 500 m2 để nuôi ba ba. Do đầu ra sản phẩm không ổn định, ông chuyển sang nuôi cá rô phi, rồi lần lượt thử nuôi nhiều loại thủy sản khác như: chình mun, cá điêu hồng… nhưng lợi nhuận vẫn chưa được như mong muốn. Năm 2019, ông Thành cải tạo ao, xây bờ ao bằng xi măng và thả nuôi 2.500 con cá thác lác.
Ao nuôi cá của người dân xã Canh Hiển.
Ông Thành chia sẻ: “Giống cá thác lác được tôi mua tại cơ sở sản xuất giống ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; cơ sở này cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm của tôi với giá 70.000 đồng/kg cá thương phẩm. Sau hơn 5 tháng nuôi, cá phát triển tốt, ít bị bệnh, đạt trọng lượng từ 400 - 500 g/con. So với các loại cá nước ngọt khác thì cá thác lác dễ nuôi, được giá và giá ổn định. Tôi định sẽ xuất bán khi cá đạt trọng lượng trung bình 2 kg/con”.
Năm 2019, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kinh phí mua con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi, ông Mai Xuân Ba, cũng ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển thả 20.000 con giống cá chạch trên diện tích ao nuôi 500 m2. Qua 5 tháng nuôi, nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn nên cá sinh trưởng, phát triển nhanh, không xuất hiện dịch bệnh, đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg. “Mấy năm trước, tôi tận dụng đất vườn để đào ao nuôi cá chép, cá rô phi, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/năm. Riêng giống cá chạch tôi đang nuôi lớn rất nhanh, tỷ lệ sống cao, phù hợp với điều kiện ao nuôi tại địa phương so với các giống cá nuôi trước đó. Theo tính toán của tôi, trên cùng một diện tích ao nuôi, khi thu hoạch cá chạch thì lãi hơn 30 triệu đồng, cao hơn so với nuôi các loại cá khác”, ông Ba cho hay.
Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ con giống, kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn, người nuôi cá nước ngọt ở huyện Vân Canh đã từng bước đạt hiệu quả kinh tế với các giống cá nuôi như: trắm, trôi, mè, chép, rô phi… Ông Lương Xuân Xiên, ở thôn Thịnh Văn 1, thị trấn Vân Canh, cho biết: “Trong một ao, tôi thả nuôi cùng lúc các loại cá như trôi, rô phi, trắm; thời gian nuôi khoảng 8 tháng, thu hoạch theo hình thức cuốn chiếu, thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Nuôi theo kiểu này lai rai có thu hoạch rải đều, tạo thành một nguồn thu tương đối khá cho gia đình”.
Toàn huyện Vân Canh hiện có 70 hộ nuôi cá trong ao, hồ với tổng diện tích 5,5 ha, tập trung chủ yếu ở thị trấn Vân Canh và xã Canh Vinh, Canh Hiển. Các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt ở địa phương tạo thu nhập khá cho người dân, góp phần phát triển thêm nghề mới, tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng cho người dân trong huyện. Tuy nhiên, do quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu được bán lẻ tại các chợ ở địa phương.
Ông Trần Kim Vũ, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh, cho biết: Huyện khuyến khích người dân phát triển nghề nuôi thủy sản ở những vùng đảm bảo ổn định được nguồn nước để nuôi. Đồng thời chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ người dân ứng dụng KHKT, tìm thêm các giống cá mới phù hợp với điều kiện nuôi để hỗ trợ người dân. Huyện cũng định hướng khuyến khích người dân tận dụng mặt nước tại các hồ thủy lợi như: Hồ Suối Đuốc (thị trấn Vân Canh), Bà Thiều (xã Canh Vinh), Quang Hiển (xã Canh Hiển) để phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN