Các đơn vị Quân đội, địa phương chủ động ứng phó bão số 5
(BĐ) - Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong sáng 30.10, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ CHQS tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện công tác ứng phó bão số 5.
BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các trạm biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 15 giờ ngày 29.10 theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh. Trong đó, đơn vị phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn 308 tàu cá/2.156 lao động ra khỏi vùng biển nguy hiểm; hướng dẫn, sắp xếp 5.841 tàu cá neo đậu tại bến; hướng dẫn, buộc chặt 769 lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản.
BĐBP tỉnh hướng dẫn, sắp xếp tàu cá neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn để tránh trú bão vào sáng 30.10.
Được biết, đến 8 giờ sáng 30.10, vẫn còn 84 tàu/753 lao động đang trong vùng biển nguy hiểm và BĐBP tỉnh đang tích cực hướng dẫn các tàu cá này khẩn trương di chuyển đến vị trí an toàn. Đồng thời, BĐBP tỉnh cũng thành lập 5 đoàn công tác, phân công từng đồng chí trong Bộ Chỉ huy trực tiếp tăng cường địa bàn và chuẩn bị phương tiện, trang bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ PCTT&TKCN.
Bộ CHQS tỉnh chuẩn bị các phương tiện cứu nạn cứu hộ trong mưa bão vào sáng 30.10.
Bộ CHQS tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm kíp trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời theo dõi, nắm chắc tình hình của bão. Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị từ 13 giờ ngày 29.10, tạm dừng huấn luyện, thi công các công trình để tập trung chằng chống, củng cố doanh trại, kho tàng và các công trình quân sự. Đồng thời, Phòng Hậu cần và Phòng Tham mưu đã phối hợp chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn cứu hộ trong mưa bão như: phao bè, xuồng, nhà bạt, … cũng như giường, chiếu, vật chất sinh hoạt tại các phòng tập trung, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của Đội PCTT&TKCN khi có lệnh của Bộ CHQS tỉnh.
* Sáng 30.10, ông Phan Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn cho biết, để chủ động ứng phó với bão số 5, ngay từ chiều 29.10, TP Quy Nhơn đã cấm biển, không cho các phương tiện tàu thuyền khai thác thủy sản ra khơi. Qua kiểm đếm, toàn thành phố hiện có 1.574 tàu thuyền khai thác thủy sản đã đến nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, có 9 tàu cá đánh bắt xa bờ đang hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nguy hiểm, ngành chức năng của thành phố phối hợp với Trạm bờ của Chi cục Thủy sản và gia đình các chủ tàu liên lạc với các tàu. Có 8 tàu đã nhận được thông tin bão số 5 và di chuyển đến nơi tránh trú an toàn, còn lại 1 tàu cá của ông Phan Thành Tài, ở phường Lê Lợi hiện vẫn chưa liên lạc được, ngành chức năng đang nỗ lực để liên lạc với tàu cá này.
Bộ đội trên xã đảo Nhơn Châu giúp dân di chuyển thúng chai có gắn máy đến nơi an toàn.
Cùng với đó, TP Quy Nhơn hiện có 2.871 lồng nuôi thủy sản trên biển, UBND thành phố đã chỉ đạo chính quyền các địa phương ven biển vận động người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển có biện pháp giằng neo, gia cố để đảm bảo tài sản, tăng cường kiểm tra, tuyệt đối không cho người ở lại trên bè nuôi để đảm bảo an toàn tính mạng khi có bão. Phòng GD&ĐT thành phố cũng đã có thông báo cho học sinh các trường nghỉ học từ chiều hôm nay (30.10) đến hết ngày 31.10…
Tại các xã ven biển của thành phố, gồm: Nhơn Châu, Nhơn Lý, Nhơn Hải, từ chiều 29.10, chính quyền địa phương đã thông báo ngư dân di chuyển ghe thuyền, thúng chai có gắn máy đến nơi trú ẩn an toàn; cấp phát bao cát để người dân giằng chống nhà cửa, kè chắn sóng …
Người dân sống ven kè chắn sóng ở xã Nhơn Hải sử dụng bao cát để giằng chống nhà cửa.
Riêng tại xã đảo Nhơn Châu, từ ngày 29.10, do biển động, sóng lớn, UBND xã đã cấm không cho tàu thuyền vận chuyển khách từ Nhơn Châu ra vào TP Quy Nhơn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị quân đội trên đảo giúp dân giằng chống nhà cửa, đưa 80 thúng chai gắn máy lên bờ, di chuyển 50 ghe thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Xã Nhơn Châu cũng yêu cầu các hộ dân nuôi tôm hùm bằng lồng, bè trên biển neo buộc kiên cố để tránh thiệt hại. Ông Phan Văn Binh, Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, cho biết: “Toàn xã hiện có 45 hộ nuôi tôm hùm trên 120 bè nuôi với số lượng 15.000 con tôm hùm, tổng giá trị tài sản khoảng 13 tỷ đồng. Riêng các lồng, bè nuôi tôm không thể di chuyển nên xã thông báo, yêu cầu tất cả các hộ dân nuôi tôm có biện pháp neo buộc lồng, bè; hạ độ sâu của lồng nuôi để giảm thiệt hại khi có mưa bão xảy ra. Xã cũng đã thông báo người dân chủ động mua dự trữ lương thực, thực phẩm để phòng khi xã đảo bị cô lập dài ngày”.
HỒNG PHÚC - NGỌC NHUẬN