Tháo gỡ bất cập, hỗ trợ những ngư dân tiên phong với Nghị định 67
Ngày 30.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
ĐB Lê Công Nhường phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 30.10.
Đề cập đến tình hình biển Đông, Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) nhắc lại báo cáo của Chính phủ cho rằng gần đây có diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với DOC (Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở biển Đông - NV) và các thỏa thuận cấp cao.
Theo ĐB Nhường, Đảng và Nhà nước đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam không bao giờ khoan nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Để giữ vững chủ quyền biển, đảo của đất nước, ngư dân là lực lượng tham gia đấu tranh trên thực địa và phát triển kinh tế biển.
Để thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã được Chính phủ ban hành. Đóng mới và nâng cấp tàu cá là hoạt động cụ thể để hỗ trợ ngư dân. Tính đến hết năm 2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.178 tàu cá trong cả nước với tổng tiền cho vay gần 11.700 tỷ đồng.
Tại Bình Định, UBND tỉnh đã phê duyệt 14 đợt cho 260 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tài cá. 61 chủ tàu đã ký hợp đồng đóng mới, với tổng số tiền cho vay gần 934 tỷ đồng; các ngân hàng đã giải ngân 911 tỷ đồng. “Cú hích” của Nghị định 67 đã hiện đại hóa tàu cá để vươn khơi bám biển.
Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh một số bất cập. Vấn đề lớn hiện nay là dư nợ cho vay chuyển sang nợ xấu ngày càng tăng do khách hàng chậm trả nợ. Nguyên nhân chính là chi phí vận hành tàu sắt cao mà sản lượng đánh bắt tăng không đáng kể. Nhiều ngân hàng đã khởi kiện ngư dân và số vụ kiện này càng tăng.
Theo ĐB Nhường, công suất của các tàu cá đã vượt qua nguồn lợi thuỷ sản tại vùng biển Việt Nam, nên nhiều ngư dân đã vi phạm khi đánh bắt vùng biển bên ngoài. Khi bị “thẻ vàng” của EU, Bộ NN&PTNT mới cấp giấy phép khai thác theo sản lượng cho các tỉnh và từng loại tàu cá.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã ban hành 21 mẫu tàu vỏ thép, nhưng áp dụng tại từng địa phương lại chưa phù hợp. Để phát triển nghề cá bền vững, không chỉ cần nâng cấp phương tiện, kỹ thuật mà điều quan trọng là phải đào tạo ngư dân làm chủ tàu vỏ thép.
Tại Bình Định hiện có hiện có 47 chủ tàu nợ ngân hàng gần 208 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 100,4 tỷ, lãi 107,6 tỷ đồng. Các chủ tàu không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất và việc thu hồi nợ rất khó khăn.
“Qua đó cho thấy chúng ta đã quá vội vàng trong triển khai Nghị định 67. Và chính những ngư dân tiên phong, những ngư dân có trình độ giỏi nhất nhưng chưa được đào tạo để thích nghi với kỹ thuật, phương tiện mới đã trở thành con nợ xấu”, ông Nhường nói.
ĐB Lê Công Nhường đề nghị Chính phủ cần đánh giá lại và tháo gỡ kịp thời những bất cập trong quá trình thực hiện để hỗ trợ những ngư dân tiên phong với Nghị định 67. Từ đó, giúp họ vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
MAI LÂM