Các địa phương sẵn sàng ứng phó bão số 5
* Sáng 30.10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão số 5 tại huyện Hoài Nhơn.
Đồng chí Trần Châu đã kiểm tra tại cửa biển Tam Quan, khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan, và một số công trình trọng điểm của huyện. Sau khi nghe lãnh đạo huyện báo cáo việc triển khai nhiệm vụ, biện pháp phòng chống bão số 5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện phải triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ đạo, công điện về phòng chống bão số 5; vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Bên cạnh đó, cần chú ý làm tốt công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, để tất cả mọi người dân nắm được tình hình, diễn biến của bão, từ đó chủ động ứng phó; triệt để thực hiện việc di dân từ những nơi xung yếu vào khu vực an toàn; chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, phương tiện phòng chống lụt bão theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống xảy ra; đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, lúa và hoa màu do bão số 5 gây ra.
Được biết, huyện Hoài Nhơn đã di dời hơn 3.000 dân ở những vùng trũng, nguy hiểm đến nơi an toàn.
* Cũng trong sáng nay, ông Trần Quốc Lại - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thành viên Ban chỉ đạo PCLB&TKCN tỉnh - và lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình chuẩn bị phòng chống bão số 5 tại các hồ đập lớn là hồ Định Bình, hồ Tà Niêng và một số công trình kè chống lở. Báo cáo của Ban quản lý hồ thuỷ lợi Định Bình và Xí nghiệp thuỷ lợi 5 cho biết, hiện tất cả các hồ đã xả đến mực nước chết để chuẩn bị đón lũ; Ban quản lý các hồ thuỷ lợi cũng đã ký kết phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện các phương án phòng chống lụt bão và ứng phó với bão số 5 theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn các công trình hồ đập.
Đoàn công tác cũng đã kiểm tra tình hình ứng phó bão số 5 tại các vùng có nguy cơ sạt lở và các khu dân cư có nguy cơ ngập lụt, các phương án di dời dân khi có lũ.
* Thực hiện công điện khẩn của UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phù Cát đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 5, theo phương châm 4 tại chỗ. Tính đến 10 giờ ngày 30.10, có 940 tàu thuyền của huyện Phù Cát đang khai thác hải sản trên biển đã nhận được thông tin diễn biến của cơn bão số 5. Huyện Phù Cát đã liên lạc và vận động các chủ phương tiện và người lao động trên tàu đưa 102 tàu thuyền/990 lao động vào cảng cá Đề Gi trú bão.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo các địa phương, vận động nông dân thu hoạch nhanh diện tích lúa vụ Mùa chín tới, thu hoạch các loại thủy sản nuôi trồng. Chặt tỉa những cành cây cao hai bên đường, tránh ngã đổ vào nhà dân và đường điện cao thế; vận động nhân dân hạn chế đi lại khu vực sông suối. Đối với những vùng trũng, vùng thường bị triều cường uy hiếp và vùng bị sạt lở đất, huyện đã có phương án sẵn sàng di chuyển dân lên vùng an toàn khi bão đổ bộ vào đất liền.
* Sáng 30.10, Huyện đoàn Tuy Phước đã huy động hơn 40 ĐVTN cùng người dân các địa phương phòng chống bão, tổ chức cắt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, thu dọn các vật dụng có nguy cơ bị gió bão làm ngã đổ trên tuyến đường DH42 đoạn xã Phước Nghĩa và khuôn viên Trường Tiểu học Phước Nghĩa.
ĐVTN cùng người dân huyện Tuy Phước phòng chống bão. ẢNH: TẤN HÙNG
* Do ảnh hưởng của bão số 5, từ trưa ngày 30.10, trên địa bàn huyện Phù Mỹ đã xuất hiện mưa to đến rất to.
Để chủ động phòng tránh, ứng phó với bão số 5, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phù Mỹ đã có phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ở ven biển, ven sông suối.
Theo đó, toàn huyện di dời 1.186 hộ/5.342 nhân khẩu. Trong đó, xã Mỹ Thành 130 hộ/565 nhân khẩu, Mỹ Chánh 223 hộ/954 nhân khẩu, xã Mỹ Cát 128 hộ/592 nhân khẩu, Mỹ Đức 50 hộ/242 nhân khẩu; Mỹ Thắng 150 hộ/823 nhân khẩu; Mỹ An 100 hộ/430 nhân khẩu; Mỹ Thọ 258 hộ/1.109 nhân khẩu; Mỹ Tài 147 hộ/627 nhân khẩu.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã yêu cầu các thành viên ban chỉ đạo, ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn, các cơ quan tập trung bám sát địa bàn, theo dõi diễn biến thời tiết; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư theo phương châm 4 tại chỗ; triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, bão kịp thời. Trong đó, chủ động, tăng cường thông báo rộng rãi về tình hình mưa, bão để nhân dân biết và chủ động ứng phó.
* Theo dự báo, trong ngày 30 đến 31.10 khu vực tỉnh Bình Định có mưa rất to (tổng lượng mưa từ 400 - 600 mm/đợt). Từ ngày 30.10, sông An Lão sẽ xuất hiện một đợt lũ, mực nước lũ trên sông ở mức báo động 2 lên trên mức báo động 3.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện An Lão đã phân công các thành viên xuống cơ sở chỉ đạo ban chỉ huy PCTT&TKCN các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và mưa lũ để thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động phòng, tránh, nhất là tại các vùng thường bị ngập úng, sạt lở, lũ quét; triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ.
Khẩn trương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, trường học, các công trình công cộng, cột điện, biển quảng cáo, các công trình đang thi công; kiểm tra, rà soát phương án bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập; tổ chức cắt tỉa cành cây tại các khu dân cư và các tuyến đường liên thôn, xã và đường nội bộ thị trấn.
Chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, nhất là tại các khu vực thường bị chia cắt; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm ATGT; tranh thủ thu hoạch cây trồng vụ Mùa, khai thác thủy sản trong ao hồ, cất giữ lúa giống để gieo sạ trong vụ Đông Xuân 2019 - 2020.
Lưu ý việc cắm các biển báo và cử người hướng dẫn người dân đi qua các vùng thường có nguy cơ ngập nước cao; chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
THÁI NGÂN - XUÂN DŨNG - THẾ HÀ - TẤN HÙNG - THANH TRỌN - HOÀNG NAM QUỐC