Chủ động ứng phó bão số 5
Tối 30.10, bão số 5 đổ bộ vào đất liền các tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên, với sức gió cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 12, kèm theo mưa lớn. Trước đó, các địa phương trong tỉnh đã chủ động triển khai công tác ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tàu vận tải hàng hóa tại cảng Quy Nhơn vào chiều 30.10. Ảnh: Trọng Lợi
Di dời dân đến nơi an toàn
Ngày 30.10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) đã tổ chức nhiều đoàn công tác xuống cơ sở, cùng với các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 và mưa lũ.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 22 giờ ngày 30.10, vị trí tâm bão ở ngay trên bờ biển tỉnh Bình Ðịnh, Phú Yên. Sức gió mạnh nhất cấp 9 (75 - 90 km/h), giật cấp 12. Khu vực Cảng Quy Nhơn có gió mạnh cấp 7 - 8; giật cấp 9 - 10; sóng biển cao 4 - 5 m.
Toàn tỉnh có 165 hồ chứa đang tích 120,2 triệu m3 nước, đạt 20,4% so với dung tích thiết kế. Tất cả các hồ chứa đã sẵn sàng tích nước.
Tại huyện Tuy Phước và TX An Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng - kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đi kiểm tra một số công trình thủy lợi và công tác chuẩn bị di dời người dân thôn Kim Xuyên (xã Phước Hòa, Tuy Phước); kiểm tra mức độ an toàn kè biển xã Nhơn Lý (Quy Nhơn) và tàu thuyền đang tránh trú bão tại cảng cá Quy Nhơn.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn tàu vận tải hàng hóa tại cảng Quy Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các cấp khẩn trương triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Các địa phương phải xác định cụ thể số hộ đang sinh sống ở những vùng có nguy cơ, vùng trũng thấp bị ngập sâu, huy động lực lượng, phương tiện di dời đến nơi an toàn; đồng thời, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống để hỗ trợ cho người dân. Bố trí, sắp xếp tàu cá vào nơi tránh trú an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, túc trực thường xuyên tại các điểm giao thông bị ngập, không để người dân ngang qua các bờ tràn bị ngập sâu, nước chảy xiết, nguy hiểm. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn bố trí lực lượng, phương tiện, tập trung bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên biển, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển về nơi tránh trú an toàn. Tuyệt đối không để xảy ra tai nạn hàng hải do tàu thuyền không vào cập bến trong cảng, gây thiệt hại như bão số 12 từng xảy ra cuối năm 2017.
Tại huyện Hoài Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu- Phó Trưởng ban thường trực PCTT&TKCN tỉnh, đi kiểm tra tại cửa biển Tam Quan, khu neo đậu tàu thuyền Tam Quan, và một số công trình trọng điểm của huyện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện phải triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc các chỉ đạo, công điện về phòng chống bão số 5; vào cuộc tích cực, chỉ đạo quyết liệt, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Bên cạnh đó, cần chú ý làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi người dân nắm được tình hình, diễn biến của bão, từ đó chủ động ứng phó; triệt để thực hiện việc di dân từ những nơi xung yếu vào khu vực an toàn; bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản, lúa và hoa màu do bão số 5 gây ra.
Cây xanh trên đường Vũ Bảo (TP Quy Nhơn) bị bật gốc. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cấm biển, tàu thuyền tìm nơi tránh trú
Tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến chiều tối 30.10, có 1.030 hộ/3.572 người tại các vùng trũng thấp của huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước đã được di dời đến nơi an toàn.
Lãnh đạo TP Quy Nhơn cho biết, hầu hết ngư dân đều đã di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn. Thành phố đã chỉ đạo các phường, xã hướng dẫn các hộ dân triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các lồng bè nuôi thủy sản ven biển, nghiêm cấm tàu thuyền khai thác thủy sản ra khơi và các tàu vận chuyển hành khách hoạt động trên biển.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Bình Định, cho hay: “Có hơn 400 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh đã được bố trí neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn, đảm bảo an toàn. Chúng tôi không cho bất cứ ngư dân nào được lưu lại trên tàu khi xảy ra mưa bão lớn, đồng thời bố trí lực lượng đảm bảo ANTT tại Cảng cá cũng như tại khu neo đậu tàu thuyền của ngư dân”.
Về tàu cá trên biển, theo ông Lưu Văn Huy, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), hầu hết tàu cá của ngư dân Bình Định đã thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đến chiều 30.10, cảng Quy Nhơn đã tiếp nhận 57 tàu vận tải hàng hóa neo đậu bên trong cảng với gần 400 thuyền viên; không có tàu neo đậu ở phao số 0. Ngoài ra, các khu vực cầu cảng, phương tiện, container hàng hóa của các tàu cũng được gia cố, neo giữ, tránh gây thiệt hại đến mức thấp nhất.
Lực lượng chức năng và người dân tham gia chằng buộc tàu cá bị gió bão làm đứt neo tại Cảng cá Quy Nhơn vào tối 30.10. Ảnh: NGUYỄN TIẾN LÂM
Đảm bảo giao thông thông suốt
Để đảm bảo giao thông thông suốt cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ qua địa bàn tỉnh, chiều 30.10, Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tự Công Hoàng cho hay, lực lượng thanh tra giao thông, các đơn vị chức năng trực thuộc Sở đã huy động phương tiện vận tải, thiết bị, vật tư sẵn sàng đợi lệnh điều động của UBND tỉnh và Bộ GTVT ứng cứu, khắc phục hậu quả bão, lũ. Sở đã chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa cây cối, chướng ngại vật trên đường do bão, lũ gây ra trong thời gian ngắn nhất, nhằm bảo đảm thông suốt, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông”.
Còn thông tin từ ông Trần Thái Hòa, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý Đường bộ III.2 (thuộc Cục Quản lý Đường bộ III, Tổng cục Quản lý Đường bộ Việt Nam), đơn vị này đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án BOT, các đơn vị quản lý, khai thác tuyến QL 1A, 1D, 19, 19B, 19C qua địa bàn Bình Định chủ động triển khai phương án tốt nhất để phòng chống bão số 5, đảm bảo giao thông thông suốt. “Trong các phương án chuẩn bị có tình huống cho tháo dỡ dải phân cách cứng trên tuyến QL 1A để chủ động tiêu thoát lũ, tránh ách tắc giao thông trên toàn tuyến”, ông Trần Thái Hòa cho hay.
Bão số 5 với sức gió 75 - 90 km/h kèm theo mưa lớn đổ bộ vào TP Quy Nhơn tối 30.10. Ảnh: HỒNG PHÚC
An toàn tuyệt đối cho học sinh và người bệnh
Từ chiều 30.10 đến hết ngày 31.10, học sinh toàn tỉnh nghỉ học theo chỉ đạo khẩn của Sở GD&ĐT. Đồng thời, các đơn vị, trường học báo cáo chính quyền địa phương yêu cầu gia đình giữ con em ở nhà, không cho đùa nghịch nước, chống sõng, vớt củi, hoặc đi lại trên các tuyến giao thông có lũ tràn qua, tuyệt đối không đi qua những nơi nước sâu, chảy xiết.
“Sau khi bão tan, tùy theo tình hình thực tế tại địa phương, phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường chủ động cho học sinh nghỉ học, tránh rủi ro. Chúng tôi cũng tăng cường nhắc nhở các đơn vị bảo quản tốt trang thiết bị học tập”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết.
Ứng phó với bão số 5, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang cho biết đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế “đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, nhân viên y tế cũng như thuốc, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, ngập lụt”. Trong đó, TTYT các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cho các trạm y tế. Các đơn vị dự phòng tuyến trên chuẩn bị sẵn thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện và phân công các đội y tế công cộng trực ban, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra. Với các cơ sở điều trị, yêu cầu trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân; đồng thời chuẩn bị các đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ tuyến dưới khi cần thiết.
T.SỸ - M.HOÀNG - N.HÂN - N.NHUẬN - T.KHUY - TRỌNG LỢI
Nhiều cây xanh ngã đổ, gần 179 nghìn hộ mất điện
Gió bão làm nhiều cây xanh ngã đổ vào hệ thống lưới điện, gây mất điện tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh.
Thống kê đến 21 giờ đêm 30.10, toàn tỉnh đã có 179 nghìn/430 nghìn hộ bị mất điện. Các địa bàn có sự cố mất điện nhiều nhất là Hoài Ân (100% số hộ bị mất điện), TX An Nhơn có một nửa số hộ sử dụng điện bị ảnh hưởng; tiếp theo là các địa phương như Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Vân Canh, TP Quy Nhơn…
Tại TP Quy Nhơn, trên một số tuyến đường đã xảy ra tình trạng ngập nước nhẹ. Hàng loạt cây xanh trên đường An Dương Vương, Xuân Diệu, Vũ Bảo, Phạm Hùng bị ngã đổ, trong đó có nhiều cây đường kính gốc khoảng 50 - 70 cm.
Trao đổi với PV qua điện thoại vào lúc 21 giờ ngày 30.10, ông Hồ Quang Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Định, cho biết: Trước tình hình bão số 5 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Điện lực Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực ban 24/24 giờ để kịp thời khắc phục các sự cố lưới điện; sau khi bão tan tập trung tối đa nhân lực và phương tiện, trang thiết bị để khắc phục, xử lý lưới điện bị sự cố, sớm cấp điện trở lại cho khách hàng.
Một số tàu hàng bị trôi neo, mắc cạn
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, lúc 19 giờ 30 phút ngày 30.10, trong khu vực vùng nước Cảng Quy Nhơn có 5 tàu vận tải (tổng cộng 57 người trên tàu) bị trôi neo, mắc cạn, gồm: Tàu Long Châu (quốc tịch Việt Nam, trên tàu có 5 thuyền viên), bị trôi neo, va chạm vào bến phao dầu An Phú (đang chứa khoảng 300 tấn dầu); tàu Hòa Bình 45 (quốc tịch Việt Nam, 16 thuyền viên) và tàu Trường Thành 26 (quốc tịch Việt Nam, 8 thuyền viên) đang trôi neo trước cầu cảng Quy Nhơn, có nguy cơ đâm va, mắc cạn; tàu Phú Trung 19 (quốc tịch Việt Nam, 9 thuyền viên) và tàu VSG PRIDE (quốc tịch Panama, 19 thuyền viên), bị trôi neo, mắc cạn tại mũi Hải Minh, phường Hải Cảng.
Cũng trong đêm 30.10, một số tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn bị đứt neo. Các lực lượng chức năng cùng người dân đã kịp thời có mặt để chằng buộc tàu, tránh đâm va.
MINH HẰNG - HỒNG PHÚC