Nghiên cứu khoa học nâng cao hiệu quả dạy - học
Các hội thi sáng tạo kỹ thuật và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh hàng năm luôn ghi đậm dấu ấn sáng tạo của ngành GD&ÐT tỉnh. Ðiều đó đến từ việc ngành thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, học sinh nghiên cứu khoa học.
Thiết bị thí nghiệm do thầy Hà Minh Trọng (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) chế tạo, cải tiến tạo cơ hội thực hành cho cả học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý và học sinh lớp không chuyên.
Tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, phòng thí nghiệm bộ môn Vật lý có nhiều thiết bị thí nghiệm do thầy Hà Minh Trọng chế tạo, cải tiến như thiết bị thí nghiệm trong dạy học “Định luật Béc-nu-li” Vật lý 10 - giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ X (2016 - 2017); bình nhỏ giọt dùng để xác định hệ số nhớt của chất lỏng, thiết bị thí nghiệm dạy học “Định luật Ôm đối với toàn mạch” Vật lý 11 - giải ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh lần thứ XI (2018 - 2019)...
Theo Sở GD&ÐT, năm học 2018 - 2019 có 428 sáng kiến, trong đó 152 sáng kiến được công nhận cấp ngành, 5 sáng kiến được chọn đề nghị công nhận cấp tỉnh. Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh do Sở tổ chức có 77 dự án đạt giải, trong đó có 6 giải nhất; 6 dự án này tham dự cuộc thi cấp quốc gia đã đoạt 2 giải nhất, 1 giải ba, 2 giải tư. Với Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ VI (2018 - 2019), có 51 giải pháp của học sinh tham gia, với 38 giải pháp đạt giải; trong đó sáng tạo “Máy chuốt cọng lá dừa” của em Trần Ngô Toàn (lớp 9A, Trường THCS Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn) đoạt giải ba cuộc thi cấp quốc gia.
Suốt 4 năm được Sở GD&ĐT phân công phụ trách phần thí nghiệm thực hành đội tuyển học sinh giỏi môn Vật lý của tỉnh, thầy Hà Minh Trọng thường xuyên bỏ tiền túi cải tiến những bộ thiết bị sẵn có hoặc thiết kế, chế tạo mới thiết bị thí nghiệm để dạy đội tuyển kỹ năng thực hành. Thầy Trọng còn chế tạo một số thiết bị thí nghiệm để học sinh lớp không chuyên thực hành theo nhóm, bởi những thiết bị sẵn có hầu như chỉ dùng cho thí nghiệm biểu diễn - tức giáo viên làm cho học sinh xem.
Tại các trường công lập tự chủ, nhiều thầy cô giáo không ngừng nỗ lực gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phù hợp với trình độ học sinh. Các sáng kiến đưa ra giải pháp phù hợp, ứng dụng vào giải quyết khó khăn trong dạy và học.
Bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho hay Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục trực thuộc tuyên truyền, vận động để từng cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ lợi ích của nghiên cứu khoa học. Đây là công việc cụ thể để hưởng ứng phong trào lao động sáng tạo thông qua cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động, hoạt động nghiên cứu, sáng tạo thu hút giáo viên trực tiếp và cả lãnh đạo, quản lý tham gia tích cực; đồng thời lan tỏa ngày càng sâu rộng đến học sinh.
Dù vậy, ngành GD&ĐT vẫn đang gặp không ít khó khăn khi đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên rất đông, ý tưởng để nghiên cứu đòi hỏi phải mới, mang lại hiệu quả thiết thực trong khi đối tượng của ngành là hoạt động giáo dục và con người - sản phẩm nghiên cứu khó đánh giá bằng định lượng, không thể thấy ngay kết quả. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải đầu tư nhiều công sức, tâm sức; nếu không đam mê sẽ dễ nản lòng, không được động viên kịp thời dễ bỏ cuộc.
“Sau khi có kết quả cuộc thi sáng kiến cấp ngành, Sở GD&ĐT thành lập tổ tư vấn xác định những đề tài có triển vọng, mời chuyên gia tư vấn cho tác giả. Chúng tôi cũng tổ chức hội thảo để trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và phổ biến các đề tài đã đạt giải B trở lên trong cuộc thi sáng kiến cấp ngành. Tích cực tuyên truyền cho các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh và hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh, hỗ trợ tác giả hoàn thành các thủ tục dự thi”, bà Điển trao đổi.
Đánh giá cao cách thức tổ chức, phát động phong trào, tư vấn, hướng dẫn người dự thi, lựa chọn giải pháp tiêu biểu tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh đạt hiệu quả cao của ngành GD&ĐT, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cho hay, Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh luôn mong muốn hội thi thực sự trở thành phong trào rộng lớn trong xã hội. Để làm được như vậy, từng đơn vị, địa phương, DN phải phát huy được sức sáng tạo của mình. Kinh nghiệm, cách làm của Sở GD&ĐT vì vậy rất đáng tham khảo, học hỏi.
NGỌC TÚ