Nhiều lợi ích khi đổi giờ học, giờ làm hợp lý
(BĐ) - Chiều 31.10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, ngân sách nhà nước năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
Để bổ sung giải pháp góp phần phát triển KT-XH trong thời gian tới, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) tiếp tục đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp ở các đô thị - vấn đề ông đã quan tâm ở các kỳ họp trước.
Theo ĐB Cảnh, hầu hết các nước trên thế giới bắt đầu giờ học, giờ làm lúc 8 giờ 30 phút hoặc 9 giờ, thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng, được áp dụng đồng bộ cho khối cơ quan hành chính, khối văn phòng, cơ sở giáo dục. Hiện nay ở nước ta, nhiều DN trong nước, DN và cơ quan tổ chức nước ngoài đã làm việc lúc 8 giờ 30 phút hoặc 9 giờ.
Cần có chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa
Thảo luận tại kỳ họp lần này, nhiều ÐB đề cập đến tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội và đặt ra vấn đề cần đầu tư nhiều hơn cho văn hóa. Thảo luận tại hội trường chiều 31.10, Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng cần có chương trình, đề án đầu tư có mục tiêu cho phát triển văn hóa trên phạm vi cả nước tương xứng và phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế phải gắn với công bằng, tiến bộ xã hội; đầu tư cho văn hóa phải ngang bằng với kinh tế. “Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa để thực hiện trong giai đoạn tới, như các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”, ÐB Hạnh nói.
“Chúng ta đang dùng khung giờ làm việc của thời kỳ còn là một nước nông nghiệp để áp vào các đô thị đang phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch là không phù hợp. Đổi giờ học, giờ làm không chỉ góp phần giải quyết ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, mà còn nâng cao hiệu quả làm việc, xây dựng tác phong làm việc công nghiệp, cải cách hành chính. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình”, ĐB Cảnh phân tích.
Vì vậy, ĐB đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành xem xét thấu đáo về đề xuất đổi giờ học, giờ làm phù hợp với thực tế. Xem xét quy định các cơ quan hành chính trung ương và cấp tỉnh thống nhất bắt đầu giờ làm việc không sớm hơn 8 giờ, nghỉ trưa 1 tiếng; chỉ đạo ngành GD&ĐT có kế hoạch điều chỉnh giờ học đồng bộ khi đổi giờ làm sau khi đã lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.
MAI LÂM