Bố trí nguồn lực phù hợp cho chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số
(BĐ) - Sáng 1.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn (sau đây gọi là Đề án).
ĐB Đặng Hoài Tân phát biểu tại hội trường QH sáng 1.11.
Theo nhiều đại biểu (ĐB), Đề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với vùng DTTS&MN và được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, vấn đề bức thiết hiện nay, đưa vùng đồng bào DTTS&MN phát triển cùng đất nước.
Tham gia thảo luận, ĐB Đặng Hoài Tân (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần xây dựng tiêu chí phân định vùng DTTD&MN, xác định cụ thể địa bàn xã, thôn đặc biệt khó khăn để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, làm cơ sở hoạch định chính sách.
Để các chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả cao nhất, ĐB Tân đề nghị Chính phủ bố trí đủ nguồn lực cho từng chính sách đề ra. Trong thực tế, chính sách đề ra dù có ưu việt đến mấy nhưng nguồn lực không đủ (nhất là kinh phí) và triển khai không quyết liệt thì cũng không đem lại hiệu quả. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến mất niềm tin của người dân.
Nguồn vốn để thực hiện Đề án dự kiến tối thiểu là hơn 335 nghìn tỷ đồng, được phân kỳ hằng năm. “Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, thường tập trung vào các tháng cuối năm, gây áp lực rất lớn trong triển khai thực hiện các công trình. Hơn nữa, cuối năm thời tiết không thuận lợi, tác động nhiều mặt làm cho chất lượng công trình giảm, mau xuống cấp, hư hỏng. Đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn trong chỉ đạo giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong thời gian đến, nhất là các công trình liên quan đến thực hiện Đề án này”, ĐB Tân nói.
Ở góc độ khác, theo ĐB Tân, người DTTS đa phần ít tài sản, khó tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại; nên để có vốn sản xuất, họ chủ yếu qua kênh ngân hàng chính sách xã hội. Do đó, đề nghị Chính phủ cân đối bổ sung nguồn vốn hợp lý cho ngân hàng chính sách xã hội để mở rộng cho vay các dự án sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.
“Hiện tại, có những cộng đồng dân cư dân số không nhiều, sống ở địa bàn hiểm trở, hẻo lánh, không có điều kiện đầu tư, phát triển. Nếu những vùng đó không liên quan đến an ninh biên giới, đề nghị Chính phủ bố trí nguồn lực để tái định cư cho những cộng đồng này”, ông Tân đề xuất thêm.
Để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS và thực hiện công tác bảo vệ phát triển rừng bền vững, ĐB Tân đề nghị Chính phủ quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo công tác quản lý giao khoán đất rừng, đặc biệt xem xét nâng tiền khoán bảo vệ trên đơn vị diện tích. Mức khoán hiện tại là 400 nghìn đồng/ha/năm theo phản ánh của cử tri là khá thấp, chưa tương xứng với công lao động bỏ ra.
Cho rằng Đề án có ý nghĩa chính trị xã hội rộng lớn, thiết thực; đối tượng được điều chỉnh phần lớn là nông dân, ĐB Tân đề nghị trong phần tổ chức thực hiện cần xác định vai trò và giao nhiệm vụ cụ thể cho Hội Nông dân Việt Nam trong triển khai thực hiện Đề án.
MAI LÂM