Mỹ Thành: Dân ồ ạt nuôi tôm tự phát
Thời gian qua, người dân ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) ồ ạt đào ao trong vườn nhà, lót bạt để nuôi tôm trái phép. Thế nhưng, chính quyền địa phương không có biện pháp ngăn chặn, khiến tình hình ô nhiễm nguồn nước, không khí, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng trầm trọng.
Nhiều ao, hồ nuôi tôm tự phát xảy ra ở xã Mỹ Thành.
Ô nhiễm bủa vây
Trước đây, xã Mỹ Thành quy hoạch vùng nuôi tôm trong diện tích khoảng 70 ha, thuộc vùng ven đầm hạ triều. Nhận thấy nghề nuôi tôm mang lại lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân bỏ vườn, đất sản xuất nông nghiệp để đào ao làm hồ tôm, khiến diện tích tăng gấp nhiều lần so với quy hoạch ban đầu.
PV đi thực tế và ghi nhận, dọc theo con đường qua các thôn Hưng Tân, Hưng Lạc, Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành), có rất nhiều ao, hồ nuôi tôm nằm chen lẫn giữa những vườn cây, đất canh tác hoa màu, tiếng máy sục khí vang khắp xóm. Như ông N.Đ.B có khoảng 100 m2 hồ nuôi tôm trong vườn nhà, mỗi năm nuôi 2 - 3 vụ tôm thẻ chân trắng. Để thuận lợi cho mình, ông B. dẫn ống xả nước thải trong quá trình nuôi ra đầm.
Một phép tính đơn giản: Mỗi hộ nuôi 3 lứa tôm/năm, đồng nghĩa với 3 lần vệ sinh hồ thì lượng nước thải của mấy chục hồ tôm ở địa phương này đổ thẳng xuống đầm, biển hoặc ra xung quanh vườn là rất lớn. Việc này khiến môi trường xung quanh bốc mùi hôi thối và nguồn nước bị ô nhiễm. Chưa kể, khu vực bờ biển thuộc các thôn Vĩnh Lợi, Hưng Tân, Hưng Lạc cũng bị bao phủ bởi rác thải phát sinh từ hoạt động nuôi tôm tự phát này.
Ông L.V.K (thôn Vĩnh Lợi 1) cho biết thêm: Hoạt động nuôi tôm tự phát trên cát ở địa phương diễn ra gần 10 năm nay. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương không ngăn chặn nên dẫn tới tình trạng “té nước theo mưa”, số người nuôi tôm tự phát theo kiểu này ngày một nhiều hơn. “Hậu quả rõ nhất lúc này là nguồn nước ngầm ở địa phương đang bị cạn kiệt. Nhiều giếng nước ngọt bị nhiễm mặn, có mùi tanh, không dùng ăn uống được”, ông K. than vãn.
Nước thải trong quá trình nuôi tôm xả thẳng ra biển, đầm khiến môi trường ô nhiễm nặng nề.
Khó xử lý (!)
Theo ông Hồ Văn Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, hoạt động nuôi tôm trên cát trong vườn, đất hoa màu manh nha vào năm 2011, đến năm 2014 thì diễn ra ồ ạt, do lợi nhuận từ việc nuôi tôm lớn. Việc này vừa sai mục đích sử dụng đất, vừa phát sinh ô nhiễm môi trường. Bởi, đa phần hồ nuôi tôm không có bể lắng, ao chứa xử lý nước thải nên nước thải phát sinh đều xả thẳng ra đầm Đề Gi hoặc ra ngoài môi trường. Đến nay, toàn xã có khoảng 40 ha ao, hồ nuôi tôm tự phát như vậy, tập trung nhiều nhất ở thôn Hưng Tân và Hưng Lạc. Xã Mỹ Thành dù biết nhưng việc ngăn chặn, xử lý rất khó khăn, bởi các hộ vi phạm chủ yếu làm vào ban đêm. Đến khi phát hiện thì người dân đã làm xong ao, hồ. Lúc này, xã lập biên bản xử phạt hành chính và yêu cầu tháo dỡ, nhưng ý thức chấp hành của bà con rất hạn chế. Giải pháp trước mắt mới dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền người dân không nên nuôi tôm tự phát vì dễ phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Trong quá trình nuôi, người dân cần xây dựng ao lắng, bể chứa và xử lý nước thải.
“Hơn nữa, theo quy định của Luật Thủy sản có hiệu lực ngày 1.1.2019, các hộ nuôi tôm phải đăng ký và được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép mới được thả nuôi. Đối với quy định này thì hiện nay địa phương đang rà soát, yêu cầu bà con đăng ký theo quy định và chỉ cho đăng ký diện tích đã nuôi trong vùng được quy hoạch. Các trường hợp nuôi trái phép sẽ xem xét, xử lý trong thời gian tới”, ông Vinh cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho rằng xã Mỹ Thành chưa báo cáo cụ thể tình hình người dân nuôi tôm tự phát trong vườn, trên đất hoa màu. Sắp tới, huyện giao cho cơ quan chuyên môn kiểm tra vấn đề này. Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận: Tình hình người dân đào ao nuôi tôm trong vườn hay trên đất hoa màu diễn ra khá ồ ạt. Chính quyền cơ sở cũng đã khuyến cáo những hệ lụy, lập biên bản, đình chỉ nhưng sau đó lại tái diễn, khó kiểm soát, chưa xử lý được (!)
“Trước mắt, huyện cũng chỉ khuyến cáo người dân nuôi đúng quy hoạch, đảm bảo vệ sinh môi trường nhằm hạn chế, giảm thiểu thiệt hại. Đồng thời, yêu cầu xã Mỹ Thành tăng cường công tác quản lý, hạn chế diện tích ao nuôi tôm phát sinh mới”, ông Dũng nhấn mạnh.
TRỌNG LỢI