Khi con trẻ vi phạm pháp luật
Có nhiều lý do khiến thiếu niên vi phạm pháp luật. Lắng nghe những câu chuyện được chia sẻ phía sau, mới thấy rằng nguyên nhân sâu xa của hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng này là thiếu sự quan tâm giáo dục, định hướng của cha mẹ, gia đình.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử bị cáo vị thành niên phạm tội.
Thống kê của Viện KSND tỉnh cho thấy, có khoảng 34% các vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên gây ra, tập trung nhiều ở lứa tuổi từ 14 đến dưới 18. Các vụ việc gây ra chủ yếu là cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp và cướp giật, thậm chí là mua bán trái phép chất ma túy. Và nguyên nhân cũng khá tương đồng.
Đơn cử như trường hợp của bị cáo Nguyễn Thị Diễm Hồng (SN 2001, TP Quy Nhơn) vừa bị tuyên phạt 3 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy, có hoàn cảnh khá đặc biệt. Mẹ đi làm xa, Hồng sống với ngoại tuổi đã cao, nên học đến lớp 9 theo bạn bỏ học. Rồi thuê nhà sống riêng với người yêu. Để có tiền tiêu xài, Hồng cùng bạn trai mua bán trái phép chất ma túy. Tại tòa, mẹ của Hồng chỉ biết rấm rức: “Cháu nó vốn thiệt thòi vì không có cha từ bé. Tôi lại lo mưu sinh nên không có thời gian dành cho con. Mỗi khi mẹ con nói chuyện với nhau, cháu luôn dạ dạ vâng vâng, có ngờ đâu cơ sự như ngày hôm nay… Lỗi là tại tôi, vì đã không cho cháu một gia đình đúng nghĩa!”.
Cũng có con phạm tội cướp giật tài sản, chị Cao Thị Hoàng V. (huyện Phù Mỹ) chia sẻ: “Khi nó lên 3 tuổi, vợ chồng tôi ly hôn. Cả hai sau đó đều có gia đình riêng nên tôi gửi cháu cho ngoại. Suốt ngày mải lo kiếm tiền, bận bịu với gia đình riêng của mình, nên tôi thật sự không biết con đã làm gì, chơi với ai…”.
Khác hẳn với 2 trường hợp trên, Nguyễn Quốc T. (SN 2003, huyện Tuy Phước) là con út trong gia đình có 3 anh chị em. Gia đình không thuộc diện khá giả, song ba mẹ T. cũng không để con mình thiếu thốn. Ấy vậy mà, T. đã tham gia một nhóm trộm cắp và cướp giật tài sản của người khác. Vụ việc xảy ra, gia đình T. hoàn toàn bất ngờ, bởi T. không phải là đứa ngỗ nghịch, ở trường cũng không phải là học sinh cá biệt. Mẹ T. chia sẻ: “T. là con út nên chúng tôi cưng chiều nó hơn. Quả thật, hàng ngày cháu sinh hoạt, vui chơi cũng rất bình thường, không có gì phải nhắc nhở... Biết sự việc này, gia đình hoàn toàn bất ngờ”.
Ở nhiều phiên tòa hình sự khác, có những ông bố bà mẹ có con ở tuổi vị thành niên phạm tội cũng nói rằng họ không hề biết con mình phạm tội, vì thấy “chúng vẫn lễ phép, ngoan ngoãn, sinh hoạt bình thường”. Song “bình thường” sao được khi mà họ dễ dãi thuận theo việc con mê game nghỉ học, chấp nhận việc con thường xuyên ngủ qua đêm ở ngoài... Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) chỉ ra rằng, 46% người phạm tội xuất thân từ những gia đình phức tạp, có bố mẹ, hoặc anh chị em là những người có tiền án tiền sự, làm nghề phi pháp; 18% gia đình có bố mẹ ly hôn; 14% sống trong gia đình thiếu sự quan tâm sâu sát. Do vậy, yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của người trẻ.
Hơn 30 năm làm trong ngành Kiểm sát, thụ lý không ít vụ án, và có không ít vụ án hình sự liên quan đến lứa tuổi thanh thiếu niên, ông Nguyễn Công Binh, Viện trưởng Viện KSND huyện Tuy Phước, phân tích: “Đây là một thực trạng xã hội đáng lo ngại. Bởi một khi gia đình thiếu sự quan tâm thì những đứa con phải gánh chịu nhiều thiệt thòi. Ở tỉnh ta, tuy chưa có thống kê chính thức, nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên ở những gia đình mà cha mẹ ly hôn hay thiếu sự quan tâm, giám sát, phạm tội cao hơn so với các gia đình bình thường khác”.
K.ANH