Bài học từ sử dụng vũ khí trái phép
Từng tham gia lực lượng du kích xã vào năm 1963, nên ông Đinh Đít (SN 1945, dân tộc Bana, ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh) được giao cho một khẩu súng trường bán tự động, dài 90 cm, nòng và thân súng bằng kim loại. Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, thay vì giao nộp vũ khí thì ông Đít lại cất súng để săn bắn thú rừng.
Vào một buổi sáng tháng 4.2019, ông Đinh Đít mang khẩu súng này đến khu vực rừng ở làng O5 xã Vĩnh Kim để săn thú. Trong lúc ngồi nghỉ, ông Đít nhìn thấy trong bụi rậm gần đó có vật gì đang động đậy. Nghĩ đó là con khỉ nên ông Đít bắn về hướng bụi cây. Sau khi đạn nổ, ông Đít đến kiểm tra thì phát hiện đã bắn nhầm vào ông Đinh Trớ, hàng xóm và cũng là thông gia của gia đình.
Phát súng của ông Đít đã làm ông Trớ vỡ đốt sống, gây mất cảm giác, mất vận động. Vì vậy, từ lao động chính của gia đình, giờ đây ông Đinh Trớ bị mất đến 93% khả năng lao động, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải phụ thuộc vào vợ con. Ấy thế mà tại phiên tòa hôm ấy, vợ ông Trớ chỉ giãi bày: “Từ ngày bị nạn, chồng tôi phải sống thực vật, thuốc thang tốn kém. Tôi không yêu cầu gì, chỉ mong gia đình ông Đít cùng chia sẻ, chăm sóc cho ông Trớ...”. Ý thức được hậu quả mình gây ra nên dù gia đình khó khăn, ông Đít cũng đã tới lui chăm sóc nạn nhân suốt thời gian qua và tự nguyện bồi thường 36 triệu đồng.
Khác hẳn với nhiều phiên tòa khác, phiên tòa này diễn ra khá nhẹ nhàng tuy hơi mất thời gian vì ông Đít không thạo tiếng Việt, lại không biết chữ nên mọi trao đổi giữa Hội đồng xét xử với bị cáo đều thông qua phiên dịch. Trả lời câu hỏi của chủ tọa vì sao không giao nộp súng cho cơ quan chức năng, ông Đít cho biết: “Giữ súng lại là để săn bắn thú rừng, chứ không nghĩ gì khác. Cũng không tưởng tượng xảy ra hậu quả hôm nay. Vì tuổi cao, mắt kém nên bok đã nhìn nhầm. Bok sai rồi, bok biết lỗi của mình rồi...”.
Với hành vi này, lẽ ra ông Đít bị truy tố ở mức hình phạt từ 5 - 12 năm tù. Tuy nhiên vì thành khẩn khai báo; khi sự việc xảy ra, bị cáo Đít đã tích cực nhờ người đưa nạn nhân đi cấp cứu và tự nguyện bồi thường cho bị hại; bản thân ông từng tham gia kháng chiến, tuổi đã cao, nên Hội đồng xét xử thống nhất tuyên phạt mức án 4 năm tù.
Án tuyên, người dự khán lặng lẽ ra về trong những nỗi niềm riêng. Bên ngoài phòng xử án, ông Đít bế đứa cháu ngoại đang ngủ gật trên vai mẹ nó, thủ thỉ: “Mình làm sai mình phải chịu trách nhiệm. Chỉ mong đừng ai lặp lại cái sai như mình!”. Người thân của ông Đít cũng không ai nói với ai câu gì. Họ lặng lẽ cùng nhau ra về.
Q.THÀNH