'Thông tin ĐBSCL biến mất vào 2050 chưa đủ cơ sở khoa học'
Chuyên gia Việt Nam cho rằng, nghiên cứu của Climate Central không chính xác do sử dụng số liệu sai và "dựa trên nhiều giả định cực đoan cùng lúc".
PGS Huỳnh Thị Lan Hương, Viện phó Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thông tin "vào năm 2050 TP HCM và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị xoá sổ do ngập" do Climate Central công bố là thông điệp cần quan tâm, nhưng chưa đủ cơ sở khoa học và dựa trên nhiều giả định cực đoan cùng lúc.
Kịch bản ngập ĐBSCL vào năm 2050 của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố năm 2016.
Bà Hương giải thích, trong nghiên cứu của mình, Climate Central sử dụng số liệu về độ cao địa hình của Mỹ sau đó hiệu chỉnh và áp dụng cho các khu vực khác trên toàn cầu. "Nghiên cứu trên đã không sử dụng đúng số liệu về độ cao thực tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nên kết quả đưa ra không chính xác", PGS Huỳnh Thị Lan Hương nói.
Lãnh đạo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết các tác giả nghiên cứu của Climate Central sử dụng giả định nước biển dâng 2 m kết hợp với giả định triều cường để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. "Thực tế, đây là kịch bản gộp cả hai giả định cực đoan rất khó xảy ra trên thực tế. Hơn nữa, kết quả này không phân biệt ngập lụt do nước biển dâng vì biến đổi khí hậu (ngập vĩnh viễn) và ngập lụt do hiệu ứng thủy triều (chỉ trong vài giờ)", bà Hương nói.
PGS Huỳnh Thị Lan Hương cho biết, năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng kịch bản về tác động của biến đối khí hậu và nước biển dâng trong đó cho biết, "dự báo đến năm 2100, nước biển dâng khoảng một mét (100 cm) sẽ khiến gần 18% diện tích TP HCM, 39% diện tích đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ bị ngập".
Bà Hương khẳng định, số liệu mà Climate Central công bố "không thể tốt hơn số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường" do cơ quan chuyên môn của Việt Nam xây dựng dựa trên quy chuẩn mốc quốc gia về bề mặt khu vực
Lãnh đạo Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết năm 2019 đơn vị này đã xây dựng kịch bản ngập mới nhất cho tỉnh Bạc Liêu. "Qua so sánh, kết quả nghiên cứu mới nhất không thay đổi nhiều so với kịch bản năm 2016".
Climate Central, tổ chức khoa học có trụ sở tại New Jersey, Mỹ, hôm 29.10 công bố nghiên cứu mới trên tạp chí Nature Communications, cho thấy số người chịu ảnh hưởng do mực nước biển dâng sẽ tăng gấp ba lần (khoảng 150 triệu người, trong đó có 20 triệu người Việt) vào năm 2050.
Đặc biệt, phần lớn diện tích của TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long có thể gần như biến mất do bị ngập nước.
Theo Gia Chính (VnE)