Phụ nữ “dân vận khéo”
Tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” (giai đoạn 2016 - 2019), nhiều tổ chức, cán bộ Hội LHPN trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, qua đó thúc đẩy hiệu quả công tác và góp phần phát triển KT-XH địa phương.
Trong số 89 điển hình “dân vận khéo” (được tuyên dương tại Hội nghị tổng kết phong trào - ngày 8.10), Hội LHPN góp mặt 2 tập thể, 4 cá nhân. Đó là: Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện Phù Cát và 4 chủ tịch Hội cấp xã: Chị Dương Thị Kim Nhất, xã Nhơn Phúc; chị Phạm Thị Hường, xã Nhơn Hạnh - TX An Nhơn; chị Trần Thị Kiêm Tuyến, xã Hoài Châu Bắc, huyện Hoài Nhơn; chị Trần Thị Bích Hà, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân.
Từ những mô hình “Dân vận khéo”
Xem “dân vận khéo” là một trong những giải pháp căn bản, hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ, Hội LHPN huyện Phù Cát đã rất quan tâm triển khai phong trào. Theo Phó Chủ tịch phụ trách Phan Vân Oanh, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã xây dựng chương trình hành động “Dân vận khéo”, với cốt lõi là tăng cường đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở để sát dân, gần hội viên, phụ nữ.
Chị Trần Thị Kiêm Tuyến (thứ 2 từ phải sang) đến nhà những hội viên bị ảnh hưởng bởi việc mở rộng tuyến đường Gia Long, thôn Liễu An để vận động và được chị em đồng thuận.
Nhiều mô hình đặc thù thu hút hội viên được nhân rộng như CLB “Phụ nữ cao tuổi sống vui, khỏe”, tổ “Phụ nữ có chồng đi biển”, CLB “Nữ thanh niên tự tin năng động”, CLB “Phụ nữ Phật giáo với công tác bảo vệ an ninh tuyến biển”… Nhờ hiệu quả thu hút, qua 3 năm, Hội đã phát triển 1.999 hội viên mới, tăng 5,2% so với cuối năm 2016.
Tại xã Nhơn Phúc, 3 mô hình “Dân vận khéo” được đánh giá hiệu quả, thiết thực và ý nghĩa hơn cả là phụ nữ thu gom rác thải, tạo những đường hoa và treo ảnh Bác, gắn với vai trò khởi xướng, tổ chức thực hiện, đôn đốc của Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Thị Kim Nhất.
“Tự quản môi trường, gia đình thân thiện với môi trường, gia đình 3 sạch” là mô hình dân vận khéo của phụ nữ, để cùng với các hội, đoàn thể khác chung tay xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm - nơi xe thu gom rác chuyên dụng không thể đến. Mô hình đã đi vào hoạt động với 8 tổ thu gom rác thải trên địa bàn 8 thôn, có trên 200 thành viên tham gia, góp phần giữ vững tiêu chí 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Xử lý được vấn đề môi trường ở đường làng, ngõ xóm, phụ nữ Nhơn Phúc nghĩ ngay đến việc xây dựng cảnh quan, làm đẹp thêm cho quê hương. Chị Nhất kể: “Chị em cùng nhau bàn bạc chọn hoa giấy vì cây khỏe, hoa đẹp. Mỗi gia đình góp 200 nghìn đồng mua chậu, UBND xã hỗ trợ tiền mua cây giống, Hội LHPN xã hỗ trợ tiền đất và phân bón, thuốc trừ sâu. Một thời gian sau, cây ra hoa rất đẹp, chị em phấn khởi, siêng năng, tự giác chăm sóc, tạo nên phong trào phụ nữ trồng hoa làm đẹp làng quê rất sôi nổi”.
Phấn khởi với 2 mô hình dân vận khéo được hội viên, người dân ủng hộ, chị Nhất tiếp tục phát động phong trào “Treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng nhất”. Ban đầu mô hình được tổ chức ở thôn Thắng Công, rất nhanh sau đó nhân rộng ở 3 thôn Nhơn Nghĩa Đông, Phụ Ngọc và thôn Hòa Mỹ, với 400 hộ hưởng ứng thực hiện.
Kiên trì vận động
Trong khi đó, dấu ấn dân vận khéo ở chị Trần Thị Kiêm Tuyến, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoài Châu Bắc thể hiện đậm nét ở công tác vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã Hoài Châu Bắc về công tác Dân vận xây dựng nông thôn mới năm 2018, Hội LHPN xã Hoài Châu Bắc đã xây dựng mô hình “Vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Qua đó, đã vận động hiến trên 1.500 m2 đất, hàng trăm cây dừa, keo, bạch đàn và cây ăn quả khác, đóng góp trên 1.500 ngày công và trên 500 triệu đồng, tổng trị giá trên 1,5 tỷ đồng.
“Một trong những “thắng lợi” là đã vận động 100% hộ thống nhất hiến đất đai, tài sản giải phóng mặt bằng mở rộng tuyến đường từ ngã tư Quy Thuận đi Hoài Châu. Hiện tại, Hội đang tham gia vận động để mở rộng tiếp tuyến đường Gia Long (thôn Liễu An). Có đến 90 hộ dân của 4 thôn trong xã bị ảnh hưởng, bước đầu làm việc với khoảng 2/3 hộ đã có 30 hộ đồng thuận, số còn lại đang chờ người nhà ở xa về để cùng thống nhất. Chính quyền địa phương xác định đây là đợt vận động khó khăn vì số hộ, quyền lợi bị ảnh hưởng lớn, song mục tiêu đặt ra là tất cả đều đồng thuận, Hội đang nỗ lực tối đa phần mình”, chị Tuyến chia sẻ.
Chị Bùi Thị Tý, một hộ bị ảnh hưởng từ chủ trương mở rộng tuyến đường Gia Long, cho biết: “Gần đây, chị Tuyến rất hay về địa bàn. Nhỏ nhẹ tâm sự, thấu tình đạt lý, chị đã hướng chúng tôi đến hành động đúng đắn, góp sức dựng xây quê hương”.
Đại diện các tập thể, cá nhân đều có chung chia sẻ, cơ sở cho những kết quả dân vận khéo mà tổ chức, bản thân họ đạt được, đó là họ đã thấm nhuần lời dặn của Bác Hồ “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, từ đó kiên trì, khéo léo trong vận động, có những giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, một yếu tố không kém phần quan trọng là bản thân lãnh đạo, cán bộ Hội phải gương mẫu đi đầu.
SAO LY