Hanoi Art Connecting 2019: Kết nối và... hơn thế
Với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tạo hình quốc tế, Triển lãm & Workshop Mỹ thuật Quốc tế Hanoi Art Connecting 2019 thật sự là một sự kiện mỹ thuật lớn. Vừa trở về từ sự kiện này, nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa đã có cuộc trò chuyện với PV Báo Bình Ðịnh.
* Xin anh giới thiệu đôi nét về Hanoi Art Connecting ?
- Triển lãm & Workshop Hanoi Art Connecting (Hà Nội kết nối nghệ thuật), do Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội) và nhóm nghệ sĩ quốc tế Asia Art Link phối hợp tổ chức. Chương trình này được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội từ năm 2016 và nhanh chóng trở thành sự kiện mỹ thuật có tầm vóc lớn. Từ năm 2018, Hanoi Art Connecting (HAC) đã được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT&DL) chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu về mỹ thuật và triển lãm của Việt Nam. Mục đích của HAC là giao lưu, kết nối các nghệ sĩ, giảng viên và sinh viên các trường nghệ thuật. Đồng thời, đây cũng là dịp để công chúng yêu nghệ thuật được chiêm ngưỡng các tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc, được tìm hiểu quá trình sáng tạo và thể hiện tác phẩm, nghe những chia sẻ về đời sống nghệ thuật đương đại từ các nghệ sĩ tạo hình quốc tế, trong nước…
Các nghệ sĩ tạo hình tại Hanoi Art Connecting 2019.
* HAC 2019 có gì mới không, thưa anh?
- HAC 2019 được tổ chức để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp (1949 - 2019). Năm nay Ban tổ chức mời đích danh 140 nghệ sĩ tạo hình của 25 quốc gia tham gia (Nepal, Nhật Bản, Pháp, Ý, Đức, SriLanka, Canada, Mỹ, Thái Lan…), trong đó có 80 nghệ sĩ Việt Nam và 60 nghệ sĩ quốc tế.
Chương trình HAC 2019 gồm có 2 nội dung chính: Triển lãm & Workshop Mỹ thuật. Theo đó, về nội dung triển lãm, khi mời đích danh, Ban tổ chức đã đề nghị mỗi tác giả (họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà đồ họa) gửi 1 tác phẩm để tham gia Triển lãm. Về Workshop Mỹ thuật, các nghệ sĩ sẽ tập trung tại hội trường lớn, phòng triển lãm và các khu vực khác trong khuôn viên Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp để sáng tác. Ban tổ chức sẽ cung cấp các loại vật liệu (đá, gỗ, sắt, thép); các loại họa phẩm (sơn dầu, màu nước, màu keo, acrilic…); các phương tiện, dụng cụ (búa, đục, thiết bị hàn)… Sau khi hoàn thành tác phẩm, Ban tổ chức sẽ lập Hội đồng chuyên môn gồm các nghệ sĩ tạo hình có uy tín chọn để trưng bày tại Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và Trung tâm Nghệ thuật Việt (42 Yết Kiêu - Hà Nội)…
* Anh nghĩ gì khi được hòa mình trong HAC 2019?
- Tôi đã từng tham gia khá nhiều sự kiện tương tự nhưng chưa bao giờ thấy “đã” như HAC 2019. Tôi học được rất nhiều điều từ các nghệ sĩ tạo hình, nhất là cách làm việc chuyên nghiệp của họ; tôi còn học được kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức, xây dựng chương trình, đến việc sử dụng đội ngũ tình nguyện viên…, tất cả đều rất bài bản…
Nhà điêu khắc Lê Trọng Nghĩa (trái) bên tác phẩm “Sự sống”.
Tại Hanoi Art Connecting 2019, tôi đã thực hiện một tác phẩm mang tên “Sự sống” bằng chất liệu gỗ + sắt. Qua tác phẩm, tôi đã vận dụng triết học phương Đông và ngôn ngữ tạo hình hiện đại để nói về “Sự sống”. Ta biết rằng theo triết học Phương Đông thì Kim khắc Mộc, còn trong tác phẩm “Sự sống”, tôi gắn kết 2 chất liệu gỗ + sắt với nhau và tạo hình lên đó 1 bông hoa. Đối với tôi, sự sống là vậy đó, đôi khi phải trải qua những điều cực kỳ khắc nghiệt, để sống, để sinh sôi nảy nở nhiều khi phải dung nạp những điều trái ngược nhau.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị!
VIẾT HIỀN (Thực hiện)