Huy động tổng lực chống sốt xuất huyết
Hiện đang cao điểm dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là huy động mọi nguồn lực triệt để xử lý môi trường, giám sát, phát hiện sớm và xử lý ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, đến sáng 2.11, toàn tỉnh ghi nhận 5.165 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), trong đó riêng Hoài Nhơn có 1.116 ca bệnh, chiếm 20,8%. Cùng với chu kỳ dịch, mưa - nắng thất thường, nhất là sau bão số 5, dịch SXH có nguy cơ bùng phát rất cao.
Cần vào cuộc đồng bộ
Tình hình nóng đến mức, cuối tháng 10, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đều phát đi cảnh báo chính quyền và ngành y tế huyện Hoài Nhơn phải tích cực triển khai ngay các biện pháp đồng bộ phòng chống dịch. Đến nay, số ca mắc tại địa phương này tiếp tục tăng nhanh với 10 - 18 ca/ngày. So với cùng kỳ năm 2018, ca bệnh tăng hơn 4 lần, ổ dịch tăng hơn 3 lần. Ngoài Tam Quan Bắc, một số địa phương cũng có dấu hiệu bùng phát dịch như Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Châu Bắc…
Kiểm tra, xử lý ổ lăng quăng tại “điểm nóng” SXH Hoài Nhơn.
Cùng với chu kỳ dịch, thời tiết khắc nghiệt tạo điều kiện để muỗi truyền bệnh SXH hoạt động mạnh. Theo bà Trần Thị Lệ Kiều, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Nhơn, hoạt động diệt ổ lăng quăng không triệt để cũng là nguyên nhân khiến SXH bùng phát, kéo dài. Đã có nhiều cuộc họp khẩn từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện; rồi kế hoạch, văn bản chỉ đạo liên tục; triển khai chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, 155 đội xung kích tại 155 thôn, khối phố vào cuộc diệt lăng quăng… nhưng vẫn không thể “hạ nhiệt” SXH.
Huy động người dân phòng, chống dịch
“UBND huyện Hoài Nhơn cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo xã, thị trấn, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp chặt chẽ ngành Y tế phòng, chống SXH; có giải pháp hữu hiệu huy động người dân tham gia vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy; hỗ trợ kinh phí chống dịch. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ hóa chất, kỹ thuật cho TTYT huyện Hoài Nhơn nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch”.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung
“Giám sát gần đây tại các xã, thị trấn đều cho thấy nguy cơ bùng phát muỗi gây bệnh trên diện rộng, trong khi người dân trông chờ, ỷ lại “việc xử lý của cán bộ y tế”. Nhưng thực tế, chỉ ngành Y tế hay đội xung kích không thể làm xuể”, bà Kiều nhấn mạnh.
Trước thực trạng này, đầu tháng 11, huyện Hoài Nhơn cấp bách triển khai chủ động xử lý SXH quy mô toàn xã tại Hoài Châu Bắc, Tam Quan, Tam Quan Bắc. Kỹ sư Nguyễn Tự Trọng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật (TTYT huyện Hoài Nhơn), cho biết: Chúng tôi yêu cầu trạm y tế các xã, thị trấn tham mưu tích cực cho UBND địa phương trực tiếp tổ chức và chỉ đạo chiến dịch diệt lăng quăng; huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, đặc biệt sự tham gia của người dân. Các đội xung kích tổ chức nhiều nhóm nhỏ 2 - 3 người/nhóm đến từng hộ gia đình kiểm tra và hướng dẫn, thực hiện; đồng thời làm việc cụ thể với các trường học để phát động, huy động học sinh tuyên truyền tự kiểm tra, diệt ổ chứa lăng quăng tại gia đình.
Diệt lăng quăng, phun hóa chất triệt để
Sáng 2.11, TTYT TP Quy Nhơn, UBND phường Ngô Mây triển khai chiến dịch phun hóa chất chủ động toàn phường. Ngoài 6 máy phun mang vai tại các đường hẻm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hỗ trợ máy phun công suất lớn đặt trên ô tô phun diện rộng trên các tuyến đường lớn.
Phun hóa chất chủ động chống dịch SXH tại phường Ngô Mây (TP Quy Nhơn).
Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn Trần Kỳ Hậu cho hay, thành phố có 550 ca mắc, trong đó, 5 địa bàn “nóng” là Ngô Mây, Quang Trung, Đống Đa, Nhơn Bình, Nhơn Phú. Trọng tâm chiến dịch là diệt lăng quăng, phun hóa chất một cách triệt để. Chúng tôi cũng tăng cường truyền thông phòng chống bệnh SXH trên phương tiện thông tin đại chúng để mỗi người dân tự ý thức bảo vệ cho mình và gia đình.
Diệt lăng quăng cho đến khi hết dịch
“Sau chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất chủ động, các địa phương tiếp tục truyền thông, vận động hộ dân tích cực loại trừ ổ chứa lăng quăng và duy trì hoạt động này thường xuyên cho đến hết dịch. Bước vào “đỉnh dịch” với các chiến dịch phòng chống SXH chủ động, quy mô toàn phường, xã, nhưng nếu không xử lý triệt để lăng quăng, SXH vẫn tiếp tục bùng phát”.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bùi Ngọc Lân
Cũng đặt trọng tâm vào diệt lăng quăng, TX An Nhơn mở chiến dịch dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của mặt trận, đoàn thể, cùng sự chung sức của cả cộng đồng. Thị ủy An Nhơn yêu cầu bí thư đảng ủy xã, phường hàng tuần phải báo cáo tình hình dịch. Hiện, An Nhơn tiếp tục triển khai chiến dịch phòng chống SXH chủ động tại Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Bình Định.
“Công tác truyền thông đi trước một bước để huy động nguồn lực và người dân vào cuộc. Chúng tôi đã triển khai truyền thông trực tiếp 71 lượt tại cụm dân cư có ổ dịch và địa phương phun hóa chất diệt muỗi. Trạm y tế tổ chức các buổi nói chuyện lồng ghép vào những buổi chào cờ đầu tuần của các trường học; truyền thông xe loa; phát thông điệp trên đài truyền thanh; truyền thông nhóm nhỏ tại cơ sở y tế cho bà mẹ có con mắc SXH”, Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình chia sẻ.
MAI HOÀNG