Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp: Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
Bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp, ngành chức năng và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã kiểm tra, xử lý nhiều cơ sở vi phạm pháp luật.
Theo ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 37 DN, 98 cơ sở kinh doanh phân bón vô cơ và 785 cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cùng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh. Có nhiều DN thực hiện tốt các quy định sản xuất kinh doanh theo quy định của Nhà nước, nhưng cũng có một số cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, nhưng vẫn hành nghề, bán sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn công bố, hoặc kinh doanh sản phẩm ngoài danh mục, quá hạn sử dụng… để trục lợi, ít nhiều ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, ô nhiễm môi trường.
Thanh tra ngành Nông nghiệp tỉnh kiểm tra một cơ sở kinh doanh phân bón trên địa bàn huyện Phù Cát.
Việc kiểm tra, xử lý các DN, cơ sở vi phạm là không hề đơn giản, bởi theo quy định, ngoại trừ thanh kiểm tra đột xuất, còn các đợt kiểm tra theo kế hoạch thì phải thông báo trước, dẫn đến việc né tránh ngành chức năng hoặc tìm cách che giấu sai phạm.
Sau nhiều ngày mật phục, đầu tháng 7.2019, các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT và Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC 03) CA tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất nhà ông Lê Xuân Lang (thôn Trung Hòa, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), bắt quả tang bà Lê Thị Ngọc Thuận (con gái ông Lang) đang tổ chức phối trộn, sang chiết, đóng gói các loại phân bón trái phép.
Thời điểm kiểm tra, bà Thuận không cung cấp được hóa đơn chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất phân bón, nên các ngành chức năng của tỉnh đã lập biên bản vi phạm hành chính để tiếp tục xác minh làm rõ, đồng thời tạm giữ gần 4 tấn phân bón thành phẩm gồm 17 loại; 748 kg nguyên liệu, 178 kg bao bì nhãn mác, cùng các trang thiết bị, máy móc dùng để sản xuất phân bón. Trên bao bì, nhãn mác của 17 sản phẩm phân bón thành phẩm ghi tên nhiều DN, ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng bà Thuận không cung cấp được giấy tờ pháp lý liên quan đến nội dung ghi trên nhãn mác. Bà Thuận khai báo đã mua nguyên liệu từ các DN ở TP Hồ Chí Minh đưa về nhà ông Lang để phối trộn, sang chiết, đóng gói, phân phối và mới chỉ gửi mẫu cho một số người quen ở các tỉnh Long An, Phú Yên.
Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho cán bộ ngành Nông nghiệp các địa phương, trong tháng 11 này, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, cùng các địa phương mở rộng thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý nghiêm minh vi phạm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đào Văn Hùng
Ông Lê Bá Thừa, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết: “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian để điều tra, xác minh địa chỉ các DN ghi trên bao bì, nhãn mác phân bón và tốn nhiều chi phí để kiểm nghiệm mẫu phân. Tháng 9.2019, UBND tỉnh đã ban hành văn bản xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Phân bón Nông Thuận Phát ở TP Hồ Chí Minh, do bà Thuận làm giám đốc, với số tiền 300 triệu đồng vì không có quyết định công nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón và hành vi sản xuất phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; đình chỉ sản xuất phân bón 6 tháng và buộc tiêu hủy lượng phân bón nói trên”.
Ngoài vụ việc nói trên, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã tiến hành thanh kiểm tra 29 DN, hộ cá thể sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghệp tại Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, đồng thời lấy và gửi 10 mẫu phân bón, 2 mẫu thuốc bảo vệ thực vật đi thử nghiệm về chất lượng. Qua đó, đã phát hiện 3 cơ sở vi phạm. Ngành chức năng đã xử phạt hành chính 23,3 triệu đồng và buộc các cơ sở nói trên tái chế phân bón có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố; buộc tiêu hủy tang vật đối với phân bón giả không có giá trị sử dụng và truy thu 1,4 triệu đồng mà DN đã bán phân bón giả.
PHẠM TIẾN SỸ