Liên hoan Khu phố, Thôn văn hóa tiêu biểu TP Quy Nhơn lần thứ II.2013:
Một “sân chơi” nhiều màu sắc
Sinh động đời sống văn hóa
Phần thi “Thôn trong phố - phố trong thôn” thể hiện khả năng biểu diễn, sáng tạo của các hạt nhân văn nghệ phong trào qua việc dàn dựng các tiểu phẩm, hoạt cảnh… phản ánh toàn diện quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu văn hóa ở các khu dân cư. Tiểu phẩm “Chung lòng xây dựng quê hương” của khu phố 5 phường Trần Phú đoạt giải Nhất, đã gây ấn tượng ngay từ cảnh mở đầu với nét đẹp văn hóa “tương thân tương ái”, khi tái hiện điểm phát cháo tình thương của khu phố 5 cho bệnh nhân nghèo BVĐK tỉnh, được duy trì mỗi tháng hai lần từ hơn một năm qua.
Trong phần thi “Người của mọi nhà”, các tình huống mà các khu phố, thôn đưa ra cho thấy sự đa dạng mâu thuẫn nảy sinh ở khu dân cư. Thôn Hải Bắc (xã Nhơn Hải) đưa ra tình huống một người dân trồng dừa tán lá ngả sang đất nhà người khác, nên khi dừa rụng thì chủ đất bên này lấy với lý do rụng trên đất của mình; dừa rớt xuống làm bể mái chuồng heo. Khu phố 5 phường Trần Hưng Đạo đưa ra tình huống một anh mê nuôi gà rừng làm cảnh, nhưng không làm chuồng mà để gà chạy rông phá vườn nhà hàng xóm. Chị hàng xóm tức giận đập chết gà làm thịt ăn… Cách xử lý tình huống của đại diện khu phố 5 phường Trần Hưng Đạo (đoạt giải Nhất) và thôn Hải Bắc xã Nhơn Hải (đoạt giải Nhì) đưa ra đều thấu tình đạt lý, trên cơ sở vận động người dân tự hòa giải.
Khu phố 5 phường Ghềnh Ráng đưa ra tình huống chủ nhà không thực hiện lời hứa thưởng thêm 2 triệu đồng cho người thợ cùng khu phố đập nhà di dời, giải tỏa cho mình. Dẫn đến mâu thuẫn giữa hai gia đình cùng khu phố căng thẳng đến mức có nguy cơ thượng cẳng tay hạ cẳng chân… Tổ hòa giải khu phố đã mời hai người đến phân tích về việc giữ chữ tín, giữ tình làng nghĩa xóm theo hướng hài hòa đôi bên. Sau đó, người thợ đã đồng ý nhận 1 triệu đồng từ chủ nhà. Ông Phương Sanh Thủy, khu vực trưởng khu vực 5 phường Ghềnh Ráng, cho biết: “Chúng tôi đưa ra tình huống này trong liên hoan để chia sẻ kinh nghiệm làm “người của mọi nhà” phải luôn sâu sát để kịp thời giải quyết linh hoạt những mâu thuẫn muôn hình vạn trạng phát sinh ở khu dân cư”.
Lan tỏa bài chòi cổ
Kết quả Liên hoan Khu phố, Thôn văn hóa tiêu biểu TP Quy Nhơn lần thứ II.2013
Khu phố 4 (phường Ngô Mây) đoạt giải Nhất toàn đoàn. Thôn Hải Bắc (xã Nhơn Hải) và khu phố 8 (phường Bùi Thị Xuân) cùng đoạt giải Nhì toàn đoàn. Khu phố 5 (phường Trần Hưng Đạo), khu phố 5 (phường Trần Phú), khu phố 4 (phường Nguyễn Văn Cừ) cùng đoạt giải Ba toàn đoàn.
Tìm câu thai cho Hội đánh Bài chòi cổ dân gian là nội dung thi mới và khó trong liên hoan. Ông Lê Ngọc Anh, Phó trưởng ban tổ chức Liên hoan, nhận xét: “Các gương mặt từ trẻ đến già đều lần đầu tiên được tiếp xúc với câu thai bài chòi cổ dân gian, được làm quen với nhịp, phách nhưng thể hiện khá nhuần nhuyễn. Phần thi thành công nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm VHTT- TT TP Quy Nhơn qua các lần tập huấn; các khu phố, thôn cũng đã rất cố gắng tập luyện, chịu khó sưu tầm bổ sung nhiều câu thai có giá trị phục vụ công tác bảo tồn”.
Trong các đội dự thi, thôn Hải Bắc (xã Nhơn Hải) có nhiều thành viên thuộc lời, hô đúng điệu và nhịp phách đồng đều nhất. Anh Nguyễn Văn Minh, thành viên đội bài chòi thôn Hải Bắc, tâm sự: “Các hạt nhân văn nghệ thôn đã được tập huấn về bài chòi cổ. Trước đó, UBND xã cũng đã tổ chức thành công Hội đánh bài chòi cổ dân gian dịp Tết Quý Tỵ 2013. Ngoài ra, chúng tôi rút được kinh nghiệm, học hỏi thêm nhiều câu thai mới và hay của các đội bạn…”.
Các “chị hiệu” như Nguyễn Thị Mười, Mai Thị Ngọc Tuyết… đã gây ngạc nhiên khi đảm nhận vai trò rất tốt, được Ban tổ chức liên hoan trao giải hiệu xuất sắc. Nhờ có các hạt nhân nổi bật này, khu phố 8 (phường Bùi Thị Xuân) và khu phố 4 (phường Ngô Mây) đã lọt vào vòng thi cuối cùng đội thôn Hải Bắc. Chị hiệu Nguyễn Thị Mười có chất giọng hay, khỏe, thuộc nhiều ca dao và có khả năng ứng tác nhanh các câu thai, đã giúp khu phố 8 giành chiến thắng chung cuộc; thôn Hải Bắc đoạt giải Nhì và khu phố 4 đoạt giải Ba. “Hồi giờ chưa biết hô câu thai bài chòi cổ như thế nào nhưng đam mê dân ca, bài chòi nên tôi hăng hái tham gia. Những lúc phải “căng đầu” suy nghĩ về câu thai trên sân khấu rất mệt, nhưng nội dung thi này rất lôi cuốn chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Mười bộc bạch.
HOÀI THU