Cần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Ðó là vấn đề quan trọng do Phó Trưởng đoàn ÐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đặt ra khi thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật chiều 4.11.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu tại hội trường chiều 4.11.
Trên lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh kiến nghị cần tiếp tục đổi mới cách làm sao cho thực chất, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường thông tin, cảnh báo thường xuyên, kịp thời cho người dân về những hành vi vi phạm, góp phần nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức tự giác cũng như khả năng tự bảo vệ của người dân. Điều này rất quan trọng vì thực tế nhiều vi phạm bắt nguồn từ thiếu hiểu biết hoặc biết nhưng cố tình vi phạm.
“Bên cạnh đó, đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế tạo hành lang pháp lý đảm bảo người dân thấy được trách nhiệm, lợi ích của bản thân, gia đình khi được sống trong môi trường bình yên, chủ động, tự giác tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm”, ĐB Hạnh nói.
Cụ thể, đối với một số mô hình hiệu quả như hiệp sĩ đường phố, đội tự quản về ANTT, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội... Chính phủ cần tổng kết, đánh giá nghiêm túc và có cơ chế phát huy. Cùng với đó là nghiên cứu để xây dựng các đội bảo vệ trị an ở các địa bàn dân cư, trước mắt là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Bên cạnh đó, gần đây qua theo dõi một số vụ việc nổi cộm, thì thấy nhiều vụ việc có tính chất mới, tinh vi, phức tạp, phạm vi rộng, trong đó có kẻ chủ mưu tính toán kỹ, tổ chức chặt chẽ để lôi kéo người dân. Chủ ý là tạo ra những mắt xích liên kết chặt chẽ, nhắm tới nhiều đối tượng, không chỉ người lao động bình thường mà còn nhắm tới những người có khả năng tiếp tay. Với phương thức này, nhiều người vừa là nạn nhân nhưng cũng là đồng phạm, kéo theo nhiều người thân cùng vi phạm. Khi vụ việc được phát hiện thì nhiều người rất ngỡ ngàng, soi chiếu lại thì hành vi vi phạm rất rõ.
“Cử tri đặt câu hỏi có phải Việt Nam đang là nơi để các loại tội phạm xuyên quốc gia chọn làm địa bàn hoạt động không để có giải pháp phù hợp”, ĐB Hạnh thông tin.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hạnh bày tỏ đau buồn và chia sẻ nỗi đau của gia đình các nạn nhân trong vụ 39 người chết tại Anh. ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội đối với các hành vi phạm tội có liên quan. Đồng thời, quản lý chặt chẽ hơn về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam, mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm để đảm bảo Việt Nam có môi trường hội nhập lành mạnh nhất.
MAI LÂM