Bình Ðịnh với sáng tác văn học thiếu nhi
Ngày 1.6.2017, đúng vào Ngày Quốc tế thiếu nhi, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức chương trình “Phạm Hổ - người ở xứ thần tiên”, kỷ niệm và tọa đàm văn học nhân 10 năm ngày mất của nhà thơ, nhà văn quê gốc Bình Ðịnh, chuyên viết cho thiếu nhi. Chuyện đã hơn hai năm trước nhưng câu hỏi đặt ra ngay tại buổi tọa đàm đó đến giờ vẫn thu hút khá nhiều thảo luận, liệu ở nơi mệnh danh “trời Văn” này ai tiếp nối khoảng trống về văn học thiếu nhi?
Nhu cầu đọc sách thiếu nhi của các bé rất cao.
Không lâu sau buổi tọa đàm, tại Bình Định, trên quy mô, không gian khác nhau, một số cuộc tọa đàm, một vài cuộc thi nhỏ tiếp tục mổ xẻ vấn đề sáng tác cho thiếu nhi. Đặc biệt câu hỏi trên thôi thúc những tác giả Bình Định vốn xác định gắn bó dài lâu, lấy việc sáng tác cho trẻ thơ là cái lõi của con đường sáng tạo nghệ thuật, là cái neo cảm xúc của mình.
Tháng 10.2017, trong cuộc Tọa đàm thông tin khoa học “Sáng tác đồng thoại ở Việt Nam”, những vấn đề chuyên sâu về việc viết cho thiếu nhi, viết như thế nào, và thúc đẩy, đánh thức việc sáng tác cho trẻ thơ thêm một lần nữa được đề cập, mổ xẻ rất kỹ. Từ sau những cuộc tọa đàm về văn học thiếu nhi, mảng sáng tác này dần được các tác giả Bình Định chú ý. Một sự kiện đáng ghi nhận là cuộc thi “Sáng tác cho tuổi thơ 2019” do Ban Mục vụ Văn hóa thuộc Giáo phận Quy Nhơn tổ chức. Cuộc thi được phát động từ cuối năm 2018 và tổng kết cuối tháng 9.2019. Cuộc thi này đã thu hút nhiều cây bút trong và ngoài Công giáo tham gia, Ban tổ chức đã chọn được nhiều tác phẩm hay, nhất là ở mảng văn xuôi.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân, một trong số những giám khảo của Cuộc thi này, cho biết: “Cuộc thi Sáng tác cho tuổi thơ 2019 nhằm mục tiêu tìm kiếm những tác phẩm dành cho thiếu nhi góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, luyện rèn tiếng Việt và nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ thơ. Cuộc thi nhận được sự cộng hưởng lớn của các tác giả trong và ngoài Công giáo trên khắp các tỉnh thành tham gia. Số lượng thơ và truyện ngắn viết cho trẻ em gửi về dự thi khá nhiều, với 687 tác phẩm thơ và 324 tác phẩm văn xuôi. Trong số đó, có nhiều tác giả Bình Định có tác phẩm đoạt giải như: Nguyễn Đình Thu, Lê Thị Xuyên, Bích Ái”.
Có dịp tiếp xúc với một số cây bút Bình Định gắn bó với văn học thiếu nhi, cảm nhận đầu tiên của tôi về họ là việc chủ động hướng đến đề tài, cảm xúc sáng tạo dẫn dắt họ đến với trẻ em một cách tự nhiên. Đáng chú ý là bên cạnh những nhà văn dành sự quan tâm nhất định cho các em mà điển hình là nhà văn Nguyễn Mỹ Nữ, ở Bình Định bắt đầu xuất hiện nhiều tác giả trẻ chọn lối đi này. Trong số đó, nhà văn Nguyễn Trần Thiên Lộc (SN 1990), người sớm đến với thể loại này, có một số thành công nhất định. Năm 17 tuổi, Thiên Lộc cho ra mắt tập truyện đồng thoại đầu tay “Lắng nghe muông thú” (NXB Thanh Niên, 2007) đã gây được sự chú ý trong công chúng. Xác định gắn bó với con đường văn học thiếu nhi, anh chủ động viết rồi chào hàng một số nhà xuất bản để in, sau đó, anh được một số nhà xuất bản đặt hàng. Cứ thế, anh lần lượt cho ra đời những tác phẩm văn học thiếu nhi với giọng văn trong trẻo, lối dẫn chuyện nhẹ nhàng như: “Những cuộc phiêu lưu của Mũi Đỏ và Răng Nhỏ” (NXB Văn học, 2012), “Kèng kẹc học chữ” (NXB Kim Đồng, 2012), “Út Nhiếp tập bay” (NXB Kim Đồng, 2013)... Nguyễn Trần Thiên Lộc cứ vậy, lặng lẽ viết, lặng lẽ để lại dấu ấn trong thế giới trẻ thơ. Mộc mạc mà chân thành. Anh giãi bày: “Viết cho thiếu nhi là cách mình tìm về tuổi thơ, và được đồng hành cùng tuổi thơ của nhiều bạn nhỏ”.
Nhà văn trẻ Nguyễn Đặng Thùy Trang (SN 1993) là một trường hợp khác, chị trải lòng: “Sáng tác văn học cho thiếu nhi là một cánh cửa rất rộng, hiện đang rất thiếu tác phẩm. Đây là vấn đề chính khiến tôi muốn đầu tư sáng tác. Hơn nữa, từ khi làm mẹ, tôi càng tâm huyết hơn với mảng sáng tác này. Tôi nghĩ, tác phẩm dành cho thiếu nhi cần trong trẻo, hướng các em đến những tình cảm tốt, suy nghĩ tích cực”.
Viết cho thiếu nhi, dễ mà khó. Bởi không phải cây viết nào cũng thật sự hòa lòng mình vào thế giới mộc mạc, trong trẻo và hồn nhiên của bé thơ; chơi đùa, trò chuyện với trẻ thơ và được trẻ thơ tin cậy chia sẻ. TS Lê Nhật Ký tâm sự: “Thật vui, vì thời gian gần đây, Bình Định đã có nhiều cây bút tham gia sáng tác mảng đề tài này với nhiều tác phẩm dễ thương, phù hợp với các em nhỏ. Mong rằng, mảng sáng tác này sẽ tiếp tục được nhiều cây bút hưởng ứng và đầu tư hơn nữa, mảng sáng tác văn học thiếu nhi vẫn còn có phần thiếu hụt so với các thể loại khác”.
ĐỨC LINH - THẢO KHUY