Một tư liệu quý về Quy Nhơn
Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh vừa tái bản sách “Xứ Đàng Trong” của Cristoforo Borri. Sách do dịch giả Thanh Thư dịch. “Xứ Đàng Trong” dày 235 trang, chia làm 2 phần: “Đời sống thế tục của Đàng Trong” và “Về đời sống tinh thần của người Đàng Trong”. Trong đó, phần 1 gồm có 8 chương và phần 2 gồm có 11 chương. Ở mỗi chương, theo tên gọi người đọc có thể hiểu ngay trong chương sách nói gì - Về tên gọi, vị trí và lãnh thổ của xứ này; Về khí hậu và những đặc điểm tự nhiên của Đàng Trong; Về phẩm chất thân phận, tập quán của người Đàng Trong; Về lối sống, cách ăn mặc và chữa bệnh; Về đời sống tinh thần của người Đàng Trong; Về thương mại và hải cảng Xứ Đàng Trong...
Cristoforo Borri SN 1583 tại Milan, vào dòng Tên năm 1601. Ông là một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Xứ Ðàng Trong của Ðại Việt, thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và lưu trú ở đó 5 năm (1618 - 1622).
Đặc biệt Cristoforo Borri dành hẳn 4 chương ghi chép về phủ Quy Nhơn. Theo tác giả, ông được quan tuần phủ Trần Đức Hòa đưa về phủ Quy Nhơn. Tại đây, quan tuần phủ đã cho dựng nhà thờ và nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi để các giáo sĩ truyền giáo. Cristoforo Borri viết: “Chúng tôi lại lên kiệu voi ra đi, cùng với nhiều người hộ tống, tới thành Nước Mặn, vùng đất rộng năm dặm, dài năm dặm. Ở đó chúng tôi được đón tiếp nồng hậu nhờ chỉ thị của quan tuần phủ, nhưng vì không chịu nổi xa cách nên ông lại đích thân tới thăm chúng tôi ngay hôm sau để xem nhà cửa người ta cất cho chúng tôi ở có được tiện nghi không. Ông nói rất hiểu rằng chúng tôi là người ngoại quốc, không có tiền cũng chẳng có đồ dùng cần thiết, cho nên ông chịu trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi tất cả...”.
Đọc “Xứ Đàng Trong” ta có thể nhặt ra khá nhiều điểm thú vị, ví dụ, nhờ Cristoforo Borri ghi chép khá tỉ mỉ về việc xây dựng nhà thờ Nước Mặn ta có thể hình dung hoạt động xây dựng ngày xưa, thậm chí có thể liên tưởng đến kỹ thuật làm nhà lá mái. Hãy theo dõi một đoạn: “Không ngờ chỉ sau ba ngày thì nhà thờ được đưa đến. Chúng tôi liền hoan hỉ chạy ra, cũng không thể nén nổi tò mò xem bằng cách nào người ta có thể mang tới một nhà thờ... Chúng tôi thấy bất thần trên đồng một đội quân hơn ngàn người mang vật liệu xây dựng đi tới. Mỗi cột trụ được ba mươi người lực lưỡng nhất khuân vác...”.
VIẾT HIỀN